Giá dầu ghi nhận phiên giao dịch đầu tuần ngày 11/09 với những biến động giằng co. Điều này thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư trước thềm công bố hàng loạt báo cáo tháng quan trọng từ các tổ chức lớn, và tâm điểm dữ liệu lạm phát Mỹ trong tháng 8.
Kết thúc tuần giao dịch ngày 4/9 – 10/9, có tổng cộng 4 trên 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, giá dầu tiếp nối đà tăng giá trong bối cảnh hạn chế nguồn cung từ các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/09, giá dầu biến động tương đối giằng co trước khi kết phiên trong sắc đỏ. Dầu WTI đứt chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp sau khi giảm 0,77% xuống 86,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,75%, đóng cửa sát mốc 90 USD/thùng. Dữ liệu kinh tế vĩ mô phản ánh tình hình tăng trưởng hạn chế từ một số quốc gia lớn, đã tạm thời lấn át những lo ngại về nguồn cung và gây sức ép cho giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/09, dầu WTI đóng cửa ở mức 87,55 USD/thùng, tăng gần 1% so với phiên trước, ghi nhận phiên tăng giá thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng giá theo ngày dài nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng phiên thứ 7 liên tiếp với mức tăng 0,62% lên 90,60 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/09, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp, sau khi tăng gần 1% và đóng cửa với mức giá 86,69 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022. Dầu Brent chốt phiên trên 90 USD/thùng, tăng 1,17% so với phiên trước đó và là mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/08, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ khi báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu sụt giảm mạnh trong tuần kết thúc ngày 25/8. Thêm vào đó, một vài lo ngại về tình hình nguồn cung thắt chặt, và đồng USD suy yếu cũng đã củng cố lực mua trên thị trường.