Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
07:28 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Chín, 2022

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu".

Tham dự hội nghị, về phía cơ quan Chủ trì - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME; ông Nguyễn Văn Từ - Chánh văn phòng Hiệp hội; bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu, Quyền Trưởng Ban Thông tin và Truyền thông VINASME.

Về phía các đơn vị phối hợp có bà Phạm Thúy Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, có ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương); ông Hoàng Anh Tuấn - Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).

Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và một số địa bàn lân cận.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME khẳng định: Thời gian vừa qua là một giai đoạn có thể nói là khó khăn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ trước tới nay, việc kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều tháng.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME.

"Đứng trước tình hình đó, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã kiến nghị đến VINASME, đề nghị Hiệp hội hỗ trợ, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp phù hợp. Hội nghị do VINASME chủ trì tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến, các kiến nghị của doanh nghiệp để từ đó có các hành động kịp thời theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp", ông Tô Hoài Nam chia sẻ.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã đưa ra nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến chiết khấu hoa hồng, cách tính mức giá cơ sở, quy định lấy xăng dầu một nguồn, thủ tục hành chính rườm rà... gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến quy định mỗi đại lý xăng dầu chỉ được mua từ 1 nhà phân phối, bà Lê Thị Nhã - đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết: Quy định này dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh.

Bà Lê Thị Nhã - đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội).

Bà Lê Thị Nhã - đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội).

"Là một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chúng tôi nhận thấy việc Nhà nước đưa xăng dầu vào loại hình kinh doanh có điều kiện là không cần thiết. Vì điều này sẽ dẫn tới rất nhiều các thủ tục hành chính ràng buộc trói chân trói tay doanh nghiệp", bà Lê Thị Nhã nói.

Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và 95/NĐ-CP/2021 hiện nay đang quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp. Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đến Sở Công thương để đổi giấy phép. Trong khi đó, mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm rất nhiều thủ tục, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới.

"Việc độc quyền đầu vào cũng làm cho bên đầu mối luôn chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng. Do đó, tôi kiến nghị bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một đầu mối", bà Nhã đề xuất.

Các cơ quan báo chí, truyền hình phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cũng là đại diện 1 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết: Thời gian vừa qua, việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các DN bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Đại diện 1 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam)

"Do đó, tôi đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối... phải chia sẻ định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Ở góc độ các cơ quan quản lý, khi Liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng DN phải gánh lỗ. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy", bà Hường kiến nghị.

Nhà nước xác định rõ và quy định: xăng chủ yếu phục vụ tiêu dùng, không phải mặt hàng thiết yếu, người dân cần tiết kiệm khi giá tăng cao, hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường…Vì vậy, mặt hàng xăng cần thả nổi theo cơ chế thị trường.

Cũng theo bà Hường, Điều 3, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn tới thủ tục hành chính gây khó cho DN, tăng chi phí dẫn đến người tiêu dùng phải gánh chịu.

Cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ, vì xăng dầu là nhu cầu thường xuyên, không phân biệt ngày nghỉ (ngày nghỉ nền kinh tế vẫn vận động), các kỳ nghỉ đang có xu hướng kéo dài để kích cầu, chờ đợi qua ngày nghỉ không phải là thị trường, là tư duy bao cấp.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), Tổng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Lực lượng QLTT rất hiểu và chia sẻ trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thời gian qua. Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu. Nhiều quốc gia hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trước tình hình đó, là đơn vị giúp việc của Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã có nhiều hoạt động để đảm bảo an sinh xã hội, chuỗi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, đồng thời đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng.

Ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại hội nghị cho thấy, các doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề không đủ nguồn cung, trong khi lực lượng QLTT yêu cầu mở cửa để bán hàng.

"Thời gian qua, theo ghi nhận và thống kê của lực lượng QLTT, một số cửa hàng có hết xăng thật, trong bồn chưa không có xăng, cửa hàng không thể bán hàng. Chúng tôi đã báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Sau đó, Bộ trưởng đã quyết định lập 3 đoàn công tác đặc biệt nhằm đôn đốc việc kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, cũng như tiếp nhận phản ánh từ người dân về việc có hay chuyện đầu cơ, "găm hàng, không phục vụ người tiêu dùng", ông Nguyễn Đức Lê thông tin.

Cũng như ý kiến của DN, lực lượng QLTT mong muốn đồng hành cùng DN và cơ quan quản lý Nhà nước; luôn cập nhật thông tin về tình trạng các cửa hàng bán lẻ đóng cửa qua hệ thống camrea, sau đó báo cáo, công khai với cơ quan đại chúng để cùng đồng hành cùng DN, tránh gây ra hình ảnh méo mó cho doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về chiết khấu hoa hầu. Vừa rồi có ý kiến doanh nghiệp nói rằng việc đưa xăng dầu vào loại hình kinh doanh có điều kiện là bất hợp lý, tại sao không thả nổi giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao và gây mất an toàn, và cũng có thể gặp sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe của người dân", ông Nguyễn Đức Lê giải thích.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tô Hoài Nam cho biết: hội nghị hôm nay đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Trên cơ sở các ý kiến thẳng thắn, cụ thể của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký cho rằng, nếu kinh doanh lỗ, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, bởi hoạt động của 17.000 đơn vị kinh doanh xăng dầu hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, an sinh xã hội.

Đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xây dựng văn bản để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tình hình xăng dầu có những diễn phức tạp, Liên Bộ Công Thương - Tài chính nên cân nhắc bỏ quy định 10 ngày điều chỉnh giá một lần, vì quy định này không đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay. Liên bộ cần cân nhắc điều chỉnh sát với giá thị trường.

"Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, với một loạt kiến nghị từ doanh nghiệp và như 1 doanh nghiệp phản ánh làm một cây xăng mà phải qua một "rừng" thông tin như vậy thì thiết nghĩ cơ quan quản lý Nhà nước cần giảm bớt để DN tránh bị động trong kinh doanh", ông Nam nói.

Nguồn: