Một số nội dung báo chí quan tâm liên quan đến lĩnh vực xăng dầu tại họp báo thường kỳ Quý III/2022 của Bộ Công Thương
02:46 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười, 2022

Công tác điều hành giá xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu; vấn đề bình ổn giá và số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu... đây là những nội dung trong 10 nhóm vấn đề mà báo chí quan tâm trong cuộc họp báo thường kỳ Quý III/2022 của Bộ Công Thương chiều nay thứ Tư ngày 12 tháng 10 năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp báo

1. Về công tác điều hành giá xăng dầu:Công tác quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu tới đây được thực hiện như thế nào, nhất là trong bối cảnh giá thế giới đang có xu hướng tăng cao, nguồn nhập khẩu đang có dấu hiệu khan hiếm?

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao; kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chi phí kinh doanh xăng dầu (nhất là mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam) để bảo đảm có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế phát sinh, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

2. Về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu: Công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu tới đây ra sao, nhất là khi các cơ quan truyền thông báo chí đang phản ánh việc ở TP HCM và các tỉnh ĐBSCL người dân xếp hàng đi mua xăng mà không có, nhiều cửa hàng đóng và bán rất nhỏ giọt.

Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu (hiện 02 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong Quý IV năm 2022). Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường. Về cơ bản, lượng sản xuất và nhập khẩu như trên theo đúng kế hoạch đã phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022. Nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tại một số địa bàn khu vực phía Nam có hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ngừng bán hàng. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

(i) Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022; chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

(ii) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Theo đó nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

(iii) Phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

(iv) Đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

(v) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

(vi) Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đang tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

(vii) Kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

3. Về vấn đề bình ổn giá:Giá xăng dầu trong nước tăng; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ ở mức cao, dù giá xăng dầu đã giảm. Bộ Công Thương có biện pháp gì để bình ổn giá cả thị trường?

Việc kiểm soát giá các hàng hóa khác nói chung trên thị trường thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đề nghị xin ý kiến thêm của Bộ Tài chính. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường để bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá hợp lý cho thị trường, nhất là trong những giai đoạn lễ, Tết (nhu cầu tăng cao).

4. Về thương nhân phân phối xăng dầu: Vai trò và quyền của thương nhân phân phối (về ý kiến cho rằng nên xóa bỏ loại hình thương nhân này). Có ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương chỉ quản lý được 33 doanh nghiệp đầu mối còn 500 thương nhân phân phối nằm ngoài hệ thống thì không. Trong khi thời gian qua việc thiếu xăng cục bộ nằm ở nhóm các thương nhân tự do này? Bộ Công Thương có ý kiến ra sao về vấn đề này? Bộ có công khai danh sách 500 thương nhân này không?

Hiện tại, công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn được Bộ Công Thương thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn. Ngoài 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện cả nước có 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu. Theo quy định tại các Nghị định nêu trên, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước. Việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua cơ bản là do một số yếu tố sau:

(i) Giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, biên độ giao động lớn và khó dự báo (nhất là trong giai đoạn Quý II các doanh nghiệp đã nhập với khối lượng lớn giá cao do lo ngại nguồn cung thiếu nên sang Quý III, giá giảm mạnh, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn) nên thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.

(ii) Từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (chi phí vận chuyển, premium… tăng) nhưng những chi phí này không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành (theo quy định việc điều chỉnh các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7/2022 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh) gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.

(iii) Mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

(iv) Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn hàng cho các thương nhân phân phối và các đại lý mua hàng của các thương nhân đầu mối này, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cục bộ tại một số địa bàn.

Danh sách 332 thương nhân phân phối Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi và quản lý, tuy nhiên, theo quy định hiện hành không có quy định về việc đăng tải danh sách các thương nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp danh sách cụ thể của các thương nhân phân phối theo quy định.

Về vai trò của thương nhân phân phối xăng dầu: Hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước. Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

5. Về vấn đề số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu

Khái niệm về thương nhân đầu mối của các nước khi đưa ra con số thống kê là thương nhân có chức năng vừa sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối. Theo khái niệm này, ở Việt Nam chỉ có 02 thương nhân là Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hiện nay, Việt Nam có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo khái niệm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP là các thương nhân có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu), trong đó có 04 thương nhân chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số lượng thương nhân đầu mối nêu trên là tương đối thấp do điều kiện gia nhập thị trường làm thương nhân đầu mối của Việt Nam còn tương đối cao.

Theo báo cáo của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, thực tế quản lý nhà nước và số lượng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại một số nước trong khu vực như sau:

+ Tại Singapore: Hiện không có văn bản pháp quy nào tương đương Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Luật xăng dầu đã được hủy bỏ vào năm 2005 và không có văn bản thay thế. Hiện nay, Singapore chỉ có Luật điều tiết ngành Công nghiệp Gas và LNG ban hành năm 2001 và sửa đổi năm 2002. Liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, chỉ có Luật vận chuyển và lưu trữ xăng dầu và Luật quản lý bảo vệ môi trường.

Hiện, Singapore có 04 doanh nghiệp thực hiện các công đoạn từ sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, bán buôn bán lẻ xăng dầu, trong đó 03 doanh nghiệp là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Thị trường xăng dầu tại Singapore trước đây được đánh giá là hạn chế cạnh tranh và có dấu hiệu độc quyền theo chiều dọc với chỉ 04 doanh nghiệp sản xuất, phân phối. Do đó, Chính phủ Singapore đã có chiến lược lôi kéo các công ty xăng dầu lớn của nước ngoài về Singapore hoạt động theo quy chế “Doanh nghiệp được phép buôn bán dầu” – Approved Oil Traders, do Bộ Công Thương Singapore vận hành và cấp phép (Cục doanh nghiệp), theo đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được mở rộng kinh doanh sang cả các mặt hàng khác như khoáng sản, vật liệu xây dựng, vật liệu điện tử… ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức từ 5-10%. Đến nay, Singapore đã thu hút được hơn 500 doanh nghiệp toàn cầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

+ Tại Trung Quốc: Trung Quốc có 03 Tổng công ty xăng dầu trực thuộc Nhà nước. Tính đến hết năm 2019, có tổng cộng 106.000 trạm kinh doanh xăng dầu trên cả nước, với 458 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó: 79 doanh nghiệp trực thuộc 02 Tổng công ty lớn, 356 doanh nghiệp trực thuộc các Tổng công ty nhà nước khác và doanh nghiệp tư nhân, 23 doanh nghiệp hợp tác đầu tư nước ngoài.

+ Tại Nhật Bản: các doanh nghiệp được tự do tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu tại Nhật Bản, ngoại trừ việc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn bắt buộc về dự trữ, kiểm soát chất lượng và tính an toàn của sản phẩm.

Hiện nay Nhật Bản có 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đầu mối” (có chức năng vừa sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu). Các doanh nghiệp được tự do tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu và cũng có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật như các nhà bán lẻ lĩnh vực khác.

Như vậy, có thể thấy, hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu (chưa kể một số nước khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này) nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu. Việc quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng, tính an toàn trong kinh doanh và bảo vệ môi trường.

6. Về vấn đề chi phí trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu: Chi phí đầu vào, chi phí định mức, chi phí vận chuyển… bị cho là đã lạc hậu so với thực tế, Bộ Công Thương và Tài chính đã có kế hoạch điều chỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ và đủ so với thực tế doanh nghiệp đang chịu lỗ và thực lỗ? Vậy tới đây, Liên bộ có động thái đối với việc điều chỉnh chi phí định mức như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao rà soát điều chỉnh và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trên cơ sở thông tin xác thực từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi các mức chi phí kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh các mức chi phí đã tăng để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

7. Nhiều ý kiến đang đề xuất xem xét lại thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu, có thể xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 5 ngày thay vì 10 ngày và tiến tới mục tiêu giá về thị trường thay đổi theo hàng ngày. Bộ Công Thương có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 02 kỳ điều hành đã được điều chỉnh giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày (cụ thể vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng). Việc rút ngắn thời gian điều hành nêu trên đã được điều chỉnh trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội kinh doanh xăng dầu (những đơn vị trực tiếp liên quan và có kinh nghiệm nhiều trong việc mua bán xăng dầu trên thị trường). Khoảng thời gian 10 ngày được các doanh nghiệp nhận định là phù hợp với phương thức tính giá mua bán và nhập hàng của các doanh nghiệp, phù hợp với chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê, giữ mức ổn định tương đối để thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mục tiêu bình ổn thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá và nếu cần thiết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về thời gian điều hành giá cũng như một số quy định khác trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế.

8. Về kiến nghị nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu

Mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu, Nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các doanh nghiệp, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.

9. Về kiến nghị cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần bảo đảm về chất lượng, kiểm soát về giá bán. Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là những đơn vị được bên giao đại lý giao hàng cho bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa tại các đại lý nên nếu đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát được chất lượng xăng dầu bán trên thị trường và đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng và giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Do đó theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn (nội dung này hiện được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP). Trong cùng một thời điểm, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ 01 nguồn để bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu (các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối với việc cung ứng khá cạnh tranh) nên đại lý bán lẻ xăng dầu có thể lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp có uy tín để hợp tác kinh doanh lâu dài. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua.

10. Về vấn đề giá bán buôn xăng dầu có thời điểm cao hơn giá bán lẻ xăng dầu

Theo quy định tại Khoản 27, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu. Như vậy, giá bán buôn xăng dầu được xác định hoàn toàn theo các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật giá trị...) do đó giá bán buôn sẽ biến động liên tục lúc cao, lúc thấp và do các yếu tố trên thị trường quyết định. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần, trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn. Ngoài ra, các chi phí cấu thành giá bán lẻ được rà soát, công bố định kỳ (6 tháng/lần) nên có những giai đoạn (nhất là trong thời gian vừa qua thị trường chịu ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, địa chính trị) chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do nhà nước công bố, trong khi giá bán buôn luôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên sẽ có thể chênh lệch cao hơn giá bán lẻ.

Kể cả trong trường hợp giá bán lẻ không phải do nhà nước điều hành, cũng như các hàng hóa khác trên thị trường, hiện tượng giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ vẫn có thể xảy ra do khi mua vào giá cao nhưng sau đó cầu giảm hoặc cung tăng, để cạnh tranh hoặc giảm chi phí lưu kho, các doanh nghiệp vẫn buộc phải bán lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn.

Nguồn: