Bộ Công Thương: Linh hoạt công cụ thuế để bình ổn thị trường xăng dầu
12:02 SA @ Thứ Năm - 24 Tháng Ba, 2022

Để bình ổn thị trường xăng dầu phải tính toán để công cụ thuế linh hoạt hơn cũng như có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần sang sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.

Kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cần có dư địa, công cụ can thiệp để hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Còn dài hơi, phải tính tới công cụ thuế linh hoạt hơn.

Đây là ý kiến của đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại Tọa đàm "Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu,” do Báo Công Thương tổ chức ngày 23/3.

Muôn kiểu lách luật, dừng bán hàng

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước liên tục biến động, trong đó có tới 6 lần tăng giá và chỉ một lần giảm giá. Bên cạnh giá thế giới tăng nóng thì việc điều chỉnh sản xuất tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.

Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào thế giới, nên khi thế giới tăng kéo theo giá trong nước cũng tăng theo.

Quan trọng hơn, với các doanh nghiệp đầu mối mới, do chủ yếu nhập mua ở trong nước nên khi nguồn cung có hạn chế hoặc có vấn đề, sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp này chỉ có thể đảm bảo cho hệ thống xăng dầu của họ, sau đó mới đảm bảo cho các đại lý ký hợp đồng. Tuy nhiên, có ảnh hưởng do khó khăn về nguồn hàng, tiến độ giao hàng bị chậm.

“Nếu giá không được tăng thì doanh nghiệp thiệt, tăng thì người dân vất vả. Do đó, chúng ta cần linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu,” ông Khanh nêu ý kiến.

Dẫn ý kiến của chuyên gia trong việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 2 ngày, đại diện Hiệp hội xăng dầu cho rằng điều này có thể giúp các cửa hàng kinh doanh an tâm, thời gian lỗ được rút ngắn (khi giá biến động mạnh); tạo tâm lý cho người tiêu dùng ở mức độ có thể chấp nhận được.

Thực tế cho thấy trước những biến động về giá xăng dầu thời gian vừa qua, đã có doanh nghiệp lợi dụng để găm hàng trục lợi, ảnh hưởng không tốt tới thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số đại lý lợi dụng tình hình, dự báo trước giá xăng tăng đã cố tình đóng cửa để tranh thủ bán kiếm lợi nhuận.

Thậm chí nhiều cửa hàng còn lấy lý do đang dịch bệnh, nhân viên nghỉ không duy trì liên tục việc bán hàng, hoặc nghỉ trưa. Cá biệt có cửa hàng lấy lý do thiếu hàng nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì thấy vẫn còn…

Thống kê từ cuối tháng 1/2022 đến nay, trong tổng số 16.800 cây xăng được kiểm tra đã phát hiện 241 cây xăng tạm dừng hoạt động với rất nhiều lý do.

“Lực lượng Quản lý thị trưởng xử lý rất nghiêm các hiện tượng bán giãn, bán không bán đủ thời gian 24/24 hay trước thời gian cao điểm điều chỉnh giá xăng dầu tạm ngưng không bán,” ông Trần Hữu Linh cho hay.

Có kịch bản điều hành linh hoạt

Hiện nguồn cung trong nước có thể đảm bảo khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng, phần còn lại các doanh nghiệp đầu mối cũng có kế hoạch để nhập khẩu. Vì vậy, khi giá thế giới biến động cũng tác động ngược trở lại trong nước.

Song theo các ý kiến đưa ra tại tọa đàm, cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tránh những cú tăng sốc có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và giá cả tiêu dùng.

Các diễn giả tại Tọa đàm về xăng dầu do Báo Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chuyên gia Vũ Đình Ánh lập luận về cơ bản giá xăng dầu trên thế giới như nhau, nhưng tại sao giá xăng dầu ở các nước bán lẻ cuối cùng lại khác nhau, có nước nửa USD, có nước 1 USD, hay có nước lại vài USD mỗi lít.

Theo ông Ánh, sở dĩ có điều này là do khoản thu ngân sách mỗi nước khác nhau. Cụ thể, Việt Nam thu ngân sách xăng dầu và đó là khoản thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, nên khi can thiệp vào giá, có thể xem xét ở một số nội dung.

“Đầu tiên là hình thức kinh doanh xăng dầu, theo đó tại sao phải giao ngay mà không sử dụng kỳ hạn, sử dụng hợp đồng tương lai, công cụ ngăn chặn, hạn chế rủi ro về giá? Một vấn đề nữa đó là tỷ giá hối đoái, chỉ cần lên 5% rất khó để kìm được giá xăng dầu,” ông Ánh nói.

Cũng theo chuyên gia này, thuế chỉ là một trong những công cụ để can thiệp vào biến động của giá xăng dầu đến đời sống kinh tế-xã hội, do đó cần phải sử dụng đồng bộ một hệ thống các công cụ.

Bên cạnh việc đảm bảo đủ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, ông Ánh cũng đề xuất việc mở rộng kho bãi, đảm bảo dự trữ chiến lược đối với xăng dầu...

- Biến động giá xăng dầu trong nước từ đầu năm 2022:

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhấn mạnh để đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước-Doanh nghiệp-Người tiêu dùng, về dài hơi phải tính toán để công cụ thuế linh hoạt hơn (giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu...) cùng đó là chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơi với môi trường.

Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu Ethanol để phối trộn, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

Ông Đông cũng cho rằng cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối.

Liên quan tới Quỹ bình ổn (BOG), đại diện Vụ thị trường trong nước thông tin, để giữ giá xăng dầu (khi giá thế giới biến động từ 40-60%), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ đã tính toán việc sử dụng quỹ linh hoạt nhằm giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%.

Tuy vậy, do quỹ có hạn, ông Đông cho biết Bộ Công Thương mạnh dạn đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.

"Bộ đã lên kịch bản (nếu giá 130 USD, 150USD/thùng) sẽ đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT; đa dạng hóa nguồn cung…," ông Đông cho biết thêm./.

Nguồn: