Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh xăng, dầu theo hướng thị trường
02:00 SA @ Thứ Sáu - 07 Tháng Mười Hai, 2012

Trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, cơ chế kinh tế ở nước ta đã được đổi mới với mô hình tổng quát là: áp dụng cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuân thủ mô hình kinh tế đó, cơ chế quản lý kinh doanh xăng, dầu ở nước ta cũng đã và đang thực hiện lộ trình để hướng đến đích là thị trường.

Từ chỗ quy định chỉ có doanh nghiệp (DN) Nhà nước có đăng ký kinh doanh xăng, dầu mới được Bộ Thương mại cấp phép kinh doanh xăng, dầu; về giá thì "áp dụng nguyên tắc giá bán xăng, dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước" (Nghị định số 55/2007/NÐ - CP ngày 6-4-2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu) tiến đến một quy định áp dụng hiện hành tiến bộ hơn tại Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15-10-2009: DN thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng, dầu được kinh doanh xăng, dầu; về giá đã khẳng định là: Giá bán xăng, dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; cách tính giá áp dụng thống nhất theo một công thức tính giá chung do Nhà nước quy định...

Các mối quan hệ "hữu cơ" trong cơ chế nêu trên là: Cơ chế thị trường đòi hỏi các thành phần kinh tế được hoạt động trong môi trường tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh (tự do trong khuôn khổ của pháp luật); để điều tiết nền sản xuất xã hội, tạo động lực cho các DN hoạt động có hiệu quả. Trong thời gian qua, cơ chế quản lý, điều hành kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định số 84/2009/NÐ-CP đã có những tác dụng tích cực, đáp ứng yêu cầu về điều hành kinh doanh, nhưng đến nay nó đã xuất hiện những bất cập, đang tạo ra những lực cản trong việc thực hiện các nguyên tắc của thị trường:

Thứ nhất, môi trường pháp lý để DN thực hiện tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh bị hạn chế. Thị trường xăng, dầu hiện nay còn có những DN chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (do lịch sử để lại), luôn tiềm ẩn những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hạn chế tính cạnh tranh. Trong chừng mực nào đó Nghị định 84/2009/NÐ - CP đã tạo ra những rào cản, hạn chế các thành phần kinh tế gia nhập thị trường kinh doanh xăng, dầu. Ðáng chú ý là việc quy định: Tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối, đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng, dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối và chỉ được mua bán xăng, dầu với các thương nhân trong hệ thống phân phối của mình để bán cho người tiêu dùng đã "triệt tiêu" quyền của các tổng đại lý, đại lý được tự do lựa chọn các thương nhân đầu mối có điều kiện cung ứng hàng tốt nhất và có giá cả hợp lý nhất. Quy định đó không những chỉ hạn chế cạnh tranh mà còn tạo ra những "đặc quyền" cho DN đầu mối, kẽ hở cho việc đầu cơ, găm hàng, ép buộc nhau trong mua bán, trong việc trả hoa hồng..., tạo ra những bất ổn của thị trường trong toàn hệ thống.

Thứ hai, "Ðộ mở" cho phép áp dụng các phương thức kinh doanh hạn chế, nên các phương thức kinh doanh vẫn mang nặng phương thức kinh doanh truyền thống: mua hàng theo chuyến, mua ngay bán ngay. Trong các quy định của nghị định chưa quy định cơ chế tạo cho DN kinh doanh xăng, dầu tiếp cận với các phương thức kinh doanh hiện tại, như: mua bán theo hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, "mua trước, bán trước" và các biện pháp phòng, chống rủi ro về giá cả; chủ động và linh hoạt trong xác định giá, đặt giá với nhà cung ứng nước ngoài và kiểm soát giá cả trong tương lai, hạn chế rủi ro biến động giá, giúp ổn định lợi nhuận của DN.

Thứ ba, quy định giá bán xăng, dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng quy định về công thức tính giá trong điều hành lại chưa phải là giá cả cạnh tranh. Mặt hàng xăng dầu, Nhà nước không còn trực tiếp quy định giá, nó được xác định là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn và giá do DN quyết định. Tuy nhiên với hướng dẫn về giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng, dầu thì về chất vẫn là giá do Nhà nước khống chế. Ngoài những yếu tố cấu thành giá khách quan hoặc là từ giá thế giới hoặc là từ quy định của Nhà nước không phụ thuộc vào DN (như giá CIF, tỷ giá ngoại tệ, các loại thuế, phí...) có hai yếu tố phải thuộc về quyết định của DN trên cơ sở tín hiệu thị trường thì Nhà nước cũng quy định là: Chi phí kinh doanh và lợi nhuận trong kinh doanh xăng, dầu. Suy cho cùng DN không được quyền quyết định, do đó quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN không tồn tại trên thực tế.

Thứ tư, trách nhiệm của các thành tố tham gia thị trường chưa được quy định mạch lạc, chỉ thấy trách nhiệm của DN, còn trách nhiệm Nhà nước lo những gì cho DN khi yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, khi không cho DN điều chỉnh giá bằng giá cơ sở... cũng chưa thật rõ; có khi điều hành bằng mệnh lệnh hành chính.

Thứ năm, trách nhiệm trong việc công khai, minh bạch các thông tin về kinh doanh xăng, dầu chưa được quy định rõ ràng, chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội mỗi khi điều chỉnh tăng giảm giá xăng, dầu.

Từ những đánh giá, phân tích trên cho thấy, đến nay Nghị định số 84/2009/NÐ - CP về kinh doanh xăng, dầu cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho kinh doanh xăng, dầu tiếp tục đi tới lộ trình thị trường. Mục tiêu tổng quát của việc sửa đổi là tạo lập một môi trường pháp lý công khai, minh bạch, bảo đảm việc kinh doanh xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, việc sửa đổi cần tập trung theo hướng:

Một là, cùng với việc sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu DN giảm thiểu tình trạng thống lĩnh thị trường, cần xem xét các điều kiện quy định về kinh doanh xăng, dầu (về kho tàng, cầu cảng, phương tiện vận chuyển, hệ thống phân phối...) để tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế cùng gia nhập thị trường, cùng cạnh tranh. Mở rộng các quan hệ mua bán giữa các đầu mối kinh doanh xăng, dầu với các Tổng đại lý, đại lý theo hướng: Tổng đại lý được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho ít nhất ba (3) thương nhân đầu mối; đại lý được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng, dầu cho ít nhất ba (3) tổng đại lý hoặc ba thương nhân đầu mối.

Hai là, cần có quy định tạo cơ chế để DN đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng, dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, chủ động áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro về giá, tỷ giá... phù hợp với Luật Thương mại.

Ba là, phải đổi mới quy định về tính giá, để bảo đảm có cạnh tranh về giá. Trước tình hình biến động giá cả thường xảy ra trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải làm quen để có giải pháp xử lý thích hợp trên nguyên tắc điều hòa, chia sẻ lợi ích giữa DN, người tiêu dùng và Nhà nước, khắc phục cơ chế "thị trường nửa vời" như quy định về công thức tính giá đi liền với quy định các mức chi phí tính giá hiện hành mà thực chất Nhà nước vẫn khống chế giá tối đa. Phương thức đổi mới căn bản cần hướng tới là DN tự định giá nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát được. Cụ thể cần chuyển cho DN quyền chủ động tính toán phương án và quy định giá bán theo tín hiệu của thị trường, theo nguyên tắc lấy gần bù xa. Quy chế này không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các DN có đủ các căn cứ tính giá, phương pháp tính giá, quy định những loại chi phí nào được tính vào giá và loại chi phí nào không được tính vào giá... Là cơ sở để Nhà nước có thể kiểm soát được các yếu tố hình thành giá khi có biến động hoặc khi phát hiện DN tính giá không đúng. Cơ chế này tạo ra môi trường cạnh tranh theo pháp luật, tạo lập tính tự chủ cho DN trong môi trường điều tiết vĩ mô của Nhà nước để DN tự lựa chọn bạn hàng, thị trường, thời giảm nhập khẩu có lợi, tự chủ động sử dụng các công cụ phòng, chống rủi ro.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay Nhà nước vẫn phải hướng dẫn công thức tính giá thì cần đi theo hướng tất cả các yếu tố cấu thành giá phải là giá thị trường, gồm: giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh, lợi nhuận... Không quy định cụ thể định mức chi phí, lợi nhuận; giảm thời gian tính giá bình quân xuống 10 ngày phù hợp tần suất giữa hai lần điều chỉnh giá để bám sát diễn biến giá thế giới, giúp DN có ứng xử phù hợp với biến động của thị trường, giảm thiểu các nguy cơ gây sốc của giá thế giới, tỷ giá, lãi suất... Không gắn thời gian tính giá theo thời gian dự trữ lưu thông; các chi phí bắt buộc DN phải dự trữ lưu thông cần phải có cơ chế xử lý và Nhà nước cũng phải chia sẻ trách nhiệm với DN. Nhà nước tập trung sự kiểm soát về kinh doanh, về giá là chủ yếu đối với DN có thị phần lớn, DN có vị trí thống lĩnh thị trường và thực hiện các biện pháp bình ổn giá khi giá của các loại hình DN này có biến động gây bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bốn là, trách nhiệm và nghĩa vụ điều tiết thị trường của Nhà nước cần được quy định rõ ràng và cụ thể hơn.

Trong trường hợp giá cơ sở tăng cao hơn giá hiện hành, Nhà nước yêu cầu DN chưa điều chỉnh giá thì xử lý ra sao. Trong trường hợp cụ thể nào thì Nhà nước công bố bằng văn bản phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá và khi nào thì công bố bãi bỏ việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Trường hợp bắt buộc DN phải dự trữ lưu thông để bảo đảm an ninh năng lượng thì Nhà nước có trách nhiệm gì hỗ trợ DN, như có chính sách tín dụng ưu đãi cho các DN được giao thực hiện nhiệm vụ dự trữ lưu thông.

Năm là, cần có quy định buộc các DN phải thực hiện việc công khai, minh bạch thông tin để bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1, Ðiều 14 Luật Thương mại.

Thạc sĩ NGUYỄN TIẾN THỎA
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam
Nguồn: