Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến cung ứng 72-80% tổng nhu cầu xăng dầu trong nước
03:06 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Tám, 2022

Hai Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đang vận hành công suất tối đa, cùng với nguồn nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu xăng dầu trong nước những tháng cuối năm.

Đây là thông tin được Bộ Công Thương nêu ra tại báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022.

Đảm bảo nhu cầu xăng dầu trong nước những tháng cuối năm

Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3. Với nhu cầu tiêu thụ từ 1,8-2 triệu m3 xăng dầu mỗi tháng, lượng sản xuất trên chiếm 72% tổng nhu cầu. Quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Bộ Công Thương cho rằng, về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Sau thời gian gián đoạn hoạt động trong quý I năm nay, hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã vận hành với công suất tối đa. Bên cạnh đó, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Trước đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II năm 2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo đó, quý II/2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong hệ thống phân phối của thương nhân và tại thị trường nội địa.

Thười gian tới, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Hạn chế biến động mạnh về giá

Từ đầu năm 2022, giá xăng trong nước đã qua 20 đợt điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 7 lần giảm giá.

Trong lần giảm giá gần nhất, ngày 1/8, mỗi lít xăng E5 RON92 giảm 444 đồng/lít so với giá hiện hành và về mức 24.629 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 462 đồng/lít, có giá mới là 25.608 đồng/lít. Ngoài ra, dầu diesel 0,05S giảm 950 đồng/lít, giá mới là 23.908 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 713 đồng/lít, giá trần là 24.533 đồng/lít.

Theo Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, liên bộ Công Thương-Tài chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/7 so với đầu năm 2022 (ngày 11/1) biến động tăng từ 8,42% đến 51,89% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 21/7 so với đầu năm chỉ tăng từ 1,14%-47,31%.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, từ 0 giờ ngày 11/7, thuế bảo vệ môi trường về mức đối với xăng (trừ etanol) là 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 500 đồng/lít; dầu hỏa là 300 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/kg; dầu nhờn là 300 đồng/lít và mỡ nhờn là 300 đồng/kg.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu (trong trường hợp giá xăng dầu thế giới có diễn biến tăng cao ảnh hưởng đến giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước) như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch của Chính phủ.

Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Nguồn: