Lý giải nguyên nhân xe bồn chở xăng dầu, khí hóa lỏng dễ bị lật
11:47 CH @ Chủ Nhật - 26 Tháng Chín, 2021

Lý giải nguyên nhân xe bồn chở xăng dầu, khí hóa lỏng dễ bị lậtPhương tiện chuyên chở xăng, dầu, khí hóa lỏng luôn có nguy cơ cháy nổ rất cao nếu như lái xe không tuân thủ đúng các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Để đảm bảo an toàn, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (CATP Hà Nội) đã khuyến cáo các nguyên tắc khi vận chuyển...

Lý giải nguyên nhân xe bồn chở xăng dầu, khí hóa lỏng dễ bị lật ảnh 1

Xe chở xăng dầu phải tuân thủ quy định dán biển hiệu cảnh báo trên thân xe

An toàn khi vận chuyển xăng dầu

Vụ tai nạn do xe chở bồn chở gas gây ra lúc 14h ngày 20-9 tại đường Trường Chinh, TP Đà Nẵng, đã khiến lực lượng cứu hỏa phải tổ chức di tản nhiều người dân lân cận nhằm đảm bảo an toàn. Khi có mặt tại hiện trường, việc đầu tiên lực lượng cứu hỏa phải thực hiện là làm mát bồn chứa. Vụ tai nạn chưa gây thiệt hại về người, nhưng cảnh báo cho lái xe khi xử lý các tình huống tương tự. Trước đó, khoảng 15h25 ngày 22-10-2020, tại Km 70+600, hướng đi Hải Phòng - Hà Nội (đoạn thuộc xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã xảy ra vụ phát nổ xe bồn chở xăng dầu khi đang đi di chuyển. Vụ nổ lớn khiến một lốp xe văng sang làn ngược chiều, rơi vào khu vực cây xanh, phát lửa nhưng không gây thiệt hại về người. Tại hiện trường, xe bồn bốc cháy dữ dội, cột khói đen phủ kín 2 làn đường cao tốc, hạn chế tầm nhìn.

Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn này, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội cho hay, xe chở chất lỏng như khí gas, xăng dầu, khi di chuyển nhanh và đánh lái gấp dễ dẫn đến hậu quả lật xe do ảnh hưởng từ quán tính. Đặc biệt tai nạn còn phụ thuộc vào số lượng chất lỏng trong bồn nhiều hay ít, nếu nhiều sẽ dễ gây tai nạn hơn. Nguy hiểm hơn, các nguyên liệu xăng, dầu, khí hóa lỏng còn rất dễ cháy do ma sát trong quá trình tai nạn.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy xe chở xăng dầu gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Do đó, để hạn chế các sự cố cháy nổ xảy ra trong quá trình vận chuyển xăng dầu bằng xe bồn, người dân và các doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ các quy định giao thông đường bộ, xe ô tô vận chuyển xăng dầu phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PCCC và mục 1 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 quy định về danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

Lý giải nguyên nhân xe bồn chở xăng dầu, khí hóa lỏng dễ bị lật ảnh 2
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Đà Nẵng xử lý sự cố lật xe bồn chở gas

Tuân thủ nghiêm quy định an toàn phòng cháy

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội trong nhiều năm qua đã phối hợp, thực hiện quy chế an toàn PCCC đối với các doanh nghiệp xăng dầu. Trong đó nội dung quan trọng các cơ sở kinh doanh, vận tải xăng dầu phải tuân thủ, thực hiện nghiêm là nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an. Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC như không phát sinh tia lửa, dây dẫn điện bằng lõi đồng phải bảo đảm cách điện và có tiết diện theo thiết kế. Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Cụ thể: Trang bị tối thiểu 2 bình bột chữa cháy xách tay từ 4kg, 1 kìm cộng lực, 1 búa, 1 đèn pin phòng nổ (đối với phương tiện có trọng tải từ 5 tần trở lên phải trang bị 3 bình chữa cháy) theo quy định tại khoản 4, Điều 1 Thông tư số 148/2020/TT-BCA ngày 31-12-2020.

Có quy định, phân công nhiệm vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Động cơ của xe phải được cách ly với khoang chứa hàng hóa bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định. Ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ, như cụm ống xả và ống giảm thanh được thiết kế, lắp đặt phía đầu xe. Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy.

Phương tiện phải bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, cụ thể: Xi-téc được làm bằng kim loại (thép hoặc inox), được sơn bảo vệ và phải được kiểm định kỹ thuật theo quy định tại Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN 05:2017). Xi-téc phải được lắp đặt chắc chắn, cố định nằm song song với khung xe ô tô. Kết cấu của xi-téc phải cứng, bền chắc, đảm bảo không thay đổi dung tích khi đong chứa và vận chuyển, chịu được áp suất dư không nhỏ hơn 0,8 bar.

Lý giải nguyên nhân xe bồn chở xăng dầu, khí hóa lỏng dễ bị lật ảnh 3

Xe bồn chở xăng dầu bị lật bốc cháy trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng

Điều quan trọng nhưng rất nhiều lái xe “quên” thả xích tiếp địa từ xe xuống đất. Do đó, các lái xe phải luôn kiểm tra phương tiện mình điều khiển xích tiếp địa trong đó vật liệu làm xích và kích thước của xích phải bảo đảm sự tích điện ở xi-téc khi vận hành dưới mức nguy hiểm cho phép. Phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ dán ở kính phía trước, hai bên và phía sau của phương tiện. Đối với người điều khiển xe xi-téc chở xăng dầu phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, người điều khiển và người làm việc trên xe xi-téc vận chuyển xăng dầu phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và có chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Khi vận chuyển xăng dầu trên đường bộ phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ (thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP).

Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 17 và khoản 1, khoản 5 Điều 18 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP. Giấy phép có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị 1 lần đối với xe xi-téc chở xăng dầu có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 24 tháng đối với xe ô tô xi-téc chở xăng dầu theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Nguồn: