Lọc hóa dầu Bình Sơn: Sắp chi gần 2.200 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022, dự kiến crack spread sẽ duy trì ở mức cao thời gian tới
02:17 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Sáu, 2023

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ chi hơn 2.170 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2022. Dự kiến hoạt động kinh doanh của công ty sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi mức crack spread dự báo sẽ tăng lên trong mùa cao điểm từ cuối quý 2 đến quý 3/2023.

 Kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới khi mức crack spread được cải thiện.
Kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới khi mức crack spread được cải thiện.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR – sàn UpCOM) vừa công bố nghị quyết thông qua việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả 7% vốn điều lệ, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu BSR được nhận 700 đồng cổ tức.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 23/08/2023 và ngày chi trả cổ tức là 27/09/2023. Với 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ chi hơn 2.170 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2022. Với việc đang nắm quyền chi phối hơn 92% cổ phần tại Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước tính sẽ thu về gần 2.000 tỷ đồng cổ tức lần này.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/6, giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 17.600 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu BSR đã tăng hơn 32%, giúp vốn hóa thị trường của công ty lên mức 54.575 tỷ đồng, lớn thứ 3 trên sàn UpCOM).

Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2023, ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 34.065 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.621 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,1% và 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán sản phẩm trung bình của công ty giảm 7,2%, chủ yếu do giá dầu thô trong quý 1/2023 giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 73,43 USD/thùng. Trong giai đoạn này, các sản phẩm dầu Diesel và Jet A1 là động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế chủ yếu của Lọc hóa dầu Bình Sơn.

 Diễn biến giá dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu (USD/thùng) từ tháng 1/2020 đến nay. (Nguồn:Bloomberg, KBSV)

Diễn biến giá dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu (USD/thùng) từ tháng 1/2020 đến nay. (Nguồn: Bloomberg, KBSV)

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá diễn biến crack spread (chênh lệch giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) trong quý 1 và đầu quý 2/2023 khá bất lợi cho kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Tuy nhiên, mức crack spread trên thế giới trong giai đoạn từ cuối quý 2 đến quý 3/2023 có thể được cải thiện khi thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu bước vào mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu. Đây là hai thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu nhằm phục vụ nhu cầu nội địa dự kiến tăng vọt trong mùa Hè này. Mức crack spread tăng lên sẽ giúp cải thiện tích cực kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Đặc biệt, crack spread dầu Diesel của Lọc hóa dầu Bình Sơn được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao do tính đa dụng của sản phẩm khi có thể vừa sử dụng cho vận tải và công nghiệp, vừa có thể làm nhiên liệu chạy máy phát điện phục vụ nhu cầu tăng cao trong mùa Hè tới tại Việt Nam.

 Diễn biến mức crack spread (USD/thùng) của các sản phẩm tinh chế từ dầu trên thị trường quốc tế từ tháng 1/2020 đến nay. (Nguồn:Bloomberg, KBSV)

Diễn biến mức crack spread (USD/thùng) của các sản phẩm tinh chế từ dầu trên thị trường quốc tế từ tháng 1/2020 đến nay. (Nguồn: Bloomberg, KBSV)

Tuy nhiên, Chứng khoán KB Việt Nam cũng lưu ý rằng crack spread có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng chậm lại khi chỉ số American Trucking Association (ATA) Tonnage chỉ ra rằng số lượng xe tải vận chuyển hàng tại Hoa Kỳ đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.

Hiện Lọc hóa dầu Bình Sơn có kế hoạch dời bảo dưỡng tổng thế (TA5) từ quý 3/2023 sang quý 1/2024, từ đó giãn chu kỳ bảo dưỡng nhà máy từ 3 năm lên 3,5 năm. Nếu kế hoạch này được các cấp có thẩm quyền thông qua thì Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể tận dụng cơ hội khi crack spread được kỳ vọng tăng lên.

Chứng khoán KB Việt Nam ước tính, nếu TA5 được dời sang quý 1/2024, doanh thu năm 2023 của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tăng thêm khoảng 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng thêm khoảng 1.900 tỷ đồng so với dự báo với giả định giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng.

Hiện Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 95.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.628 tỷ trong năm nay, lần lượt giảm 43% và giảm 89% so với kết quả kiểm toán năm 2022; kế hoạch này dựa trên dự báo giá dầu thô là 70 USD/thùng.

Nguồn: