Đánh giá thực trạng, hiệu quả, sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
03:10 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Ba, 2023

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ, trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ. Đó là nội dung trong Thông báo về Kết luận của UBTV Quốc hội về Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Tại Phiên họp thứ 21 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý một số nội dung. Với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý thực tiễn, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến để xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luật về Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh:dabieunhandan.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luật về Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: dabieunhandan.vn

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền định giá; danh mục và các trường hợp hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá…

Hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn, thẩm định giá, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá của Nhà nước, số lượng, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng đảm bảo chặt chẽ, khả thi, gắn trách nhiệm với quyền hạn.

Về bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lý do đề nghị thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa bình ổn giá so với quy định hiện hành, đánh giá tác động ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp. Nghiên cứu giữ như quy định hiện nay, Quốc hội quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong Luật, trong thời gian giữa 2 Kỳ họp, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Về tiêu chí bình ổn giá: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tiêu chí giá hàng hóa, dịch vụ biến động lớn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Về Quỹ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu đổi tên Điều thành các biện pháp về bình ổn giá, quy định rộng hơn về các biện pháp bình ổn giá, tương thích với Luật Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa; hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập Quỹ.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ.

Về định giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý, tách thành 2 nội dung về nguyên tắc định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí hợp lý, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bổ sung quy định phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Đối với những hàng hóa, dịch vụ khác, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí, có lãi và bảo đảm quy luật cung cầu, cạnh tranh của thị trường….

Nguồn: