Chuyện điều hành xăng dầu ở Campuchia
01:40 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Mười Hai, 2012
Ở Campuchia, Nhà nước không quy định giá bán lẻ đối với xăng dầu mà do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải có trách nhiệm thông báo cho Bộ Thương mại trước một ngày khi điều chỉnh.



Cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đạt chuẩn. Ảnh: VGP/Linh Đan

Theo luật pháp của Campuchia, mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối cung cấp xăng dầu, xe vận chuyển và cửa hàng của đại lý cũng phải gắn logo của doanh nghiệp đầu mối. Quy định này nhằm hạn chế các đầu mối lấy xăng dầu từ nhiều nguồn.

Ông Chalao, chủ đại lý xăng dầu, cho biết, nhà ông có 5 con xe vận chuyển, 5 cửa hàng, mỗi cửa hàng mang thương hiệu của một đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Nhưng, cơ quan quản lý kinh doanh xăng dầu của Campuchia đôi khi cũng bất lực. Ngay cả khi đoàn nhà báo Việt Nam có mặt tại đại lý này, xăng dầu vẫn được đổ công khai vào những can nhựa và được chiếc xe bán tải chở đi các cây xăng khác. Theo đại lý này, cách bán xăng qua can kiểu này trước đây mỗi tháng bán 2.000 - 3.000 tấn xăng dầu, nhưng từ khi có quy định đại lý gắn thương hiệu nhà cung cấp, giảm xuống 1.000 tấn.

Đại diện một đầu mối cung cấp xăng dầu cho biết, các đại lý đổ xăng ra can để lách luật về gắn thương hiệu để tiêu thụ, do vậy hiểm hoạ cháy nổ luôn thường trực, chưa kể chất lượng khó kiểm soát…

Với nhu cầu 1,7 triệu tấn/năm, Campuchia nhập khẩu 100% từ Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 60-70%. Hiện Campuchia có 12 đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, thị trường xăng dầu Campuchia cạnh tranh khá gay gắt bởi được thị trường hoá hoàn toàn.

Trong bữa ăn tối giữa đoàn nhà báo Việt Nam với các đầu mối nhập khẩu xăng dầu Campuchia ở Phnompenh, ông chủ đầu mối thảo luận sôi nổi về việc có nên giảm giá bán lẻ xăng dầu vào ngày hôm sau hay không.

Uch Sophal, phụ trách nhập khẩu của Công ty xăng dầu Mittapheap giải thích, ở Campuchia, Nhà nước không quy định giá bán lẻ đối với xăng dầu mà do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải có trách nhiệm thông báo cho Bộ Thương mại trước một ngày mỗi khi điều chỉnh.

Tuy nhiên, quy định này không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện vì họ thường tăng, giảm giá rất nhanh, một ngày có thể 2 lần thay đổi giá theo giá thế giới và cũng là yếu tố để cạnh tranh nhau.

Ông Đàm Tá Nho, Trưởng Văn phòng Đại diện Petrolimex tại Campuchia, cho biết: “Kinh doanh xăng dầu tại Campuchia được thị trường hóa hoàn toàn, Nhà nước không can thiệp hành chính, chỉ quản lý bằng quy định của pháp luật và thuế, phí”.

Theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành của Campuchia, xăng dầu nhập khẩu chịu thuế nhập khẩu (xăng 15%, diezel, dầu hỏa và mazut 0%), thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10%, phụ thu (0,02 USD/lít) và phí giao thông.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn ấn định giá để tính thuế, ví dụ giá tính thuế đối với xăng là 785 USD/tấn; diezel và dầu hỏa 580 USD/tấn, xăng máy bay JET A1 430 USD/tấn nên thuế xăng dầu cũng rất ít khi thay đổi.

Giám đốc điều hành Công ty xăng dầu PTT Suthon Choothian giải thích, nguồn thu lớn cho ngân sách Campuchia là từ thuế xăng dầu nên việc cố định thuế, phí giúp cho Chính phủ chủ động kế hoạch thu ngân sách, đồng thời giúp doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán giá bán theo biến động giá nhập khẩu.

Về trách nhiệm đối với hệ thống bán lẻ, ông Chan Ang, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Sokimex, doanh nghiệp chiếm gần 24% thị phần, cho biết: “Sokimex chịu trách nhiệm kiểm soát giá cả, chất lượng, đo lường với 65 cửa hàng trực thuộc, còn 200 cửa hàng đại lý công ty phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật. Tuy nhiên, để bảo vệ hình ảnh của mình, các thương hiệu lớn như Caltex, PTT hay Total vẫn giám sát cả đại lý của mình.

Để không đứt nguồn cung, Campuchia quy định các công ty xuất nhập khẩu xăng dầu có nghĩa vụ duy trì mức dự trữ một khối lượng cần thiết tương đương với số lượng bán ra hàng tháng. Uch Sophal cho biết, dù Nhà nước không quy định, các công ty vẫn thực hiện dự trữ để chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.

Với dân số 14 triệu người, Campuchia có hệ thống bán lẻ xăng dầu dày đặc, khoảng hơn 1.000 cửa hàng. Riêng Phnôm Pênh, chỉ với diện tích 374 km2 nhưng có hơn 240 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trung bình 0,6 km2 có một cửa hàng.

Hệ thống bán lẻ xăng dầu ở Campuchia phát triển mạnh, có lẽ do cạnh tranh quyết liệt, cộng với sự chủ động hoàn toàn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi vậy, việc tăng, giảm giá xăng dầu ở Campuchia đối với người dân là chuyện rất bình thường của cơ chế thị trường và bản thân các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu có thể chủ động trong kinh doanh sao cho hiệu quả.

Linh Đan (Chinhphu.vn)