“Chốt chặn” những hành vi gian lận xăng dầu
04:27 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Mười Hai, 2015

Thông tư số 15/2015/TT của Bộ Khoa học và Công nghệ về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu quy định, từ ngày 1-7-2018, tất cả các cột đo xăng dầu đều phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng. Đây được coi là điểm mới trong việc hạn chế các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, đồng thời tăng mức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư, phát triển một cách đồng bộ, sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo quy định, các cột bơm xăng dầu phải lắp đặt thiết bị in chứng từ, từ ngày 1-7-2018.

Theo quy định, các cột bơm xăng dầu phải lắp đặt thiết bị in chứng từ, từ ngày 1-7-2018.

Khó khả thi?

Theo quy định của Thông tư 15, việc in chứng từ mua bán cho mọi khách hàng là bắt buộc. Chứng từ phải đầy đủ thông tin như tên cơ sở bán xăng, địa chỉ, thời gian bán hàng; số lượng, loại xăng dầu, tổng số tiền,… Nó không chỉ góp phần bảo đảm văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp (DN) khẳng định việc kinh doanh tuân thủ pháp luật; công khai, minh bạch hóa thị trường xăng dầu, cũng như hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các chứng từ để giải quyết tranh chấp, dấu hiệu gian lận thương mại.

Quy định là vậy, nhưng không ít DN kinh doanh mặt hàng này tỏ ra băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả kinh tế mang lại. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch và Thương mại Sông Hồng Lê Công Hoàng, đơn vị đã triển khai lắp thí điểm thiết bị in chứng từ tại các cột bơm xăng dầu cách đây gần 10 năm khẳng định, đa số các nước trên thế giới, việc in và cung cấp chứng từ bán lẻ xăng dầu cho khách hàng rất thông dụng, phổ biến, phù hợp thông lệ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, với thói quen sử dụng tiền mặt thuần túy, ít đơn vị áp dụng phần mềm công nghệ hiện đại khiến quy định này không mang lại hiệu quả kinh tế. Trước kia, Tổng công ty đã đầu tư hàng loạt thiết bị hiện đại, đắt tiền nhưng không thể áp dụng. Ở Việt Nam đang phát triển từng bước, vẫn còn nhiều bất cập, muốn phát triển phải có hệ thống công nghệ đồng bộ, các dụng cụ kèm theo đa dạng mới có thể tính đến việc áp dụng đồng loạt theo quy định nêu trên.

Cũng theo ông Hoàng, để lắp đặt thiết bị in chứng từ, các DN sẽ mất khoản chi phí không hề nhỏ. Chẳng hạn, Tổng công ty hiện có 18 bơm (có thể tích hợp bốn bơm trong một cột), chi phí cho 18 bơm này gồm 18 lệnh in, hệ thống truyền dữ liệu, bảo dưỡng, bảo trì, giấy nhiệt,… mà các khoản này hiện chưa thanh toán vào đâu được. Trong khi đó, DN chỉ lãi 500 đồng/lít xăng, phải gánh các chi phí này sẽ không có lãi và đương nhiên chẳng DN nào muốn làm. Cơ quan quản lý đưa ra quy định như vậy, nhưng chưa lường hết thực tiễn của việc đó, chẳng khác nào làm khó DN. Mặt khác, rất ít người mua hàng quan tâm tới chuyện chứng từ. Mọi thông tin về số lượng, giá cả,… đều đã hiển thị công khai tại cột bơm và người tiêu dùng có thể nhìn trực tiếp mỗi lần mua xăng. Chính vì vậy, muốn thực hiện được quy định này, ngoài sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin, phải có sự thay đổi về cơ chế quản lý, cân đối đầu ra, đầu vào,… thì lúc đó việc áp dụng lắp đặt thiết bị in chứng từ mới thật sự đem lại hiệu quả.

Phó Giám đốc Xí nghiệp xăng dầu Hà Nội (Petrolimex Hà Nội) Nguyễn Khả Thiệu cho biết, việc áp dụng thí điểm lắp đặt máy in chứng từ tại các cột bơm xăng đã được triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, thế nhưng sau khi bơm, người dân không lấy chứng từ, vứt đầy ra sân trạm xăng, gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường. Chứng từ không có giá trị thanh toán, chỉ có căn cứ cho khách hàng nếu phát sinh tranh chấp giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít xảy ra. Do đó, thay vì phát hành chứng từ, cần nghiên cứu để tờ giấy đó vừa có giá trị thanh toán (như hóa đơn đỏ) vừa làm căn cứ giải quyết các tranh chấp phát sinh khi cần. Rõ ràng, việc áp dụng in chứng từ tại các cột bơm xăng thực chất chưa phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Người dân không cần chứng từ mà phần lớn cần hóa đơn. Quy định đã ban hành, tất yếu phải tổ chức thực hiện, nhưng tính hiệu quả kinh tế không cao, phần lớn hướng về bán thiết bị, công nghệ. Trong khi đó, đầu ra muốn in bao nhiêu chứng từ, tích kê cũng được. Muốn kiểm soát chặt chẽ, phải trang bị hệ thống tự động hóa để kiểm soát từng cột bơm, kết nối toàn bộ hệ thống mới góp phần công khai, minh bạch hóa thị trường xăng dầu. Ngoài ra, người mua chỉ cần để ý về cây xăng, các thông tin liên quan cũng có thể ngăn ngừa, loại bỏ được các hành vi tiêu cực.

Hạn chế gian lận

Số liệu của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, trên địa bàn cả nước hiện có gần 500 cột bơm xăng dầu của các cơ sở tư nhân đã tự nguyện lắp đặt, vận hành và in chứng từ cho khách hàng. Hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đã nhận các hồ sơ đề nghị phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu có cải tiến, lắp thêm thiết bị in chứng từ và hồ sơ của các cơ sở sản xuất cột đo xăng dầu mới. Với quá trình chuẩn bị, giám sát về mặt kỹ thuật, quản lý cột đo xăng dầu có gắn thiết bị in chứng từ sẽ bảo đảm theo đúng quy định. Liên quan tới quyền lợi người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú tại phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, quy định về in chứng từ sẽ giúp thị trường xăng dầu cạnh tranh công bằng, tránh hiện tượng bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu, cạnh tranh thiếu lành mạnh với các DN làm ăn chân chính, nhưng khó khả thi trên thực tế. Hiện, phần lớn khách hàng đi xe ô-tô, xe máy chỉ lấy hóa đơn về thanh toán, còn lại sẽ vứt chứng từ lại cây xăng. Vụ trưởng Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng Nguyễn Hùng Điệp cho biết, ưu điểm lớn nhất của quy định in chứng từ là bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, ý thức của người tiêu dùng phải được hình thành dần khi Nhà nước đưa ra quy định và người tiêu dùng phải thực hiện quyền của mình. Giống như lúc đầu làm chứng từ ở các siêu thị và bây giờ xăng dầu cũng vậy. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài ra, các cửa hàng cũng cần hướng dẫn để người tiêu dùng biết và thực hiện. Mặt khác, cơ quan quản lý có thể ngăn ngừa hành vi tiêu cực, kiểm nghiệm chất lượng mẫu xăng dầu, căn cứ vào những chứng từ bán hàng để tính tổng gian lận và có giải pháp xử lý về hành vi gây thiệt hại đối với quyền lợi người tiêu dùng,…

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) Nguyễn Mạnh Hùng, hóa đơn, chứng từ không chỉ giúp cho công tác quản lý, mà còn là bằng chứng giao dịch giữa người mua và người bán, để nếu có vấn đề gì xảy ra thì còn có căn cứ để giải quyết. Chẳng hạn, trong vụ xăng pha a-xê-tôn (năm 2006) khiến hàng nghìn người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh mua và sử dụng loại xăng này, đã gây hư hại nhiều bộ phận của một số loại phương tiện giao thông, nếu như người dân có chứng từ, sẽ đủ căn cứ để chứng minh thiệt hại. Còn để ngăn chặn hiện tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, cần có nhiều biện pháp. Trong Thông tư số 15 đã đưa ra các quy định cụ thể để quản lý chất lượng và đo lường mặt hàng này. Hóa đơn, chứng từ là một trong những bằng chứng để người tiêu dùng yêu cầu người bán hàng bồi thường thiệt hại khi phát hiện các gian lận về đo lường và chất lượng. Việc đòi hỏi áp dụng quy định này là tất yếu, theo xu hướng thương mại hiện đại thế giới đã áp dụng, người tiêu dùng nên quan tâm để bảo đảm quyền lợi cho chính mình.

Nguồn: