Cần chứng tỏ ưu thế hơn là “cưỡng chế” để kích cầu
02:35 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Giêng, 2016

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo phấn đấu đến ngày 1-6-2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Đây là một trong những động thái tích cực để kích cầu đối với xăng sinh học E5, thế nhưng cũng có những ý kiến e ngại việc sẽ bị “cưỡng chế” sử dụng xăng E5, trong khi việc lựa chọn sử dụng sản phẩm lại là do nhu cầu và niềm tin của khách hàng.

Thị trường E5 ảm đạm

Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, xăng E5 sẽ được tiêu thụ từ ngày 1-12-2014, xăng E10 sẽ được tiêu thụ từ ngày 1-12-2016 tại 7 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu). Theo đó, 7 tỉnh, TP nói trên triển khai sản xuất, phối trộn, kinh doanh xăng sinh học E5 RON 92 cho phương tiện cơ giới đường bộ, bắt đầu từ ngày 1-12-2014 và trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015.

Sau một thời gian thực hiện việc đưa xăng sinh học E5 vào thị trường cho thấy kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với xăng E5, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có đủ thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như các lợi ích về môi trường, xã hội của loại xăng này. Thậm chí có người còn lo ngại cả về chất lượng xăng E5… Trong khi giá cả chênh lệch so với xăng truyền thống còn rất ít. Ông Nguyễn Văn Liên, Phó GĐ Cty xăng dầu Hà Sơn Bình thừa nhận, giá xăng E5 và RON 92 chỉ chênh lệch 500 đồng/lít, nên không hấp dẫn người tiêu dùng, vì thực tế số tiền mà người tiêu dùng tiết kiệm được không nhiều, trong khi đó họ chưa có kiến thức về xăng E5 để yên tâm. Qua khảo sát một số cây xăng đã được lắp đặt hệ thống phân phối mặt hàng xăng sinh học E5 cho thấy, lượng xăng E5 bán ra chỉ đạt 3-4%/tổng lượng xăng dầu.
Theo ông Phạm Đức Thắng, Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kinh doanh xăng E5 không mang lại lợi nhuận như xăng khoáng vì hiện nay giá xăng dầu thế giới đang ở mức thấp. Giá cồn ethanol - nguyên liệu để sản xuất xăng E5 là 14.000 đồng/lít, cộng thêm thuế khiến cho giá vốn xăng E5 đắt hơn xăng khoáng, nên kinh doanh xăng E5 không mang lại lợi nhuận cho các DN như xăng khoáng. Đây chính là nguyên nhân khiến chính các DN kinh doanh xăng dầu không mặn mà với xăng E5…

Cần chứng tỏ ưu thế hơn là “cưỡng chế” để kích cầu

Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thay vì phải áp dụng biện pháp “cưỡng chế” sử dụng xăng E5. Ảnh: N.Khuê

Nguy cơ cơ “xóa sổ” xăng RON-92?

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc thực hiện lộ trình sản xuất, kinh doanh xăng E5 và cơ chế giá: Các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM phấn đấu đến ngày 1-6-2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khác, đến ngày 1-6-2016 đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, theo Quyết định số 53/2012 của Thủ tướng Chính phủ, việc sử dụng xăng sinh học E5 sẽ được thực hiện thí điểm tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Sau gần 4 năm thực hiện, nhìn chung các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã nỗ lực tuyên truyền về sử dụng xăng E5. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm việc cụ thể với tất cả các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để đôn đốc thực hiện lộ trình theo mục tiêu đã đề ra và tiếp tục nâng dần tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối bán xăng E5; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu xây dựng phương pháp tính giá cơ sở đối với xăng E5 theo hướng bảo đảm doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng E5 có hiệu quả; hoàn thành trong tháng 1-2016; nghiên cứu việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với xăng E5, E10 để khuyến khích tiêu dùng, sử dụng xăng sinh học; báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng ý tiếp tục áp dụng trong năm 2016 biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 thấp hơn đối với xăng khoáng RON 92 để tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng khoáng RON 92 nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương từng trao đổi với báo chí rằng, về lâu dài phải rút dần xăng A92 ra khỏi thị trường bởi việc song song kinh doanh hai loại xăng sẽ gây đội chi phí.

Như vậy, có vẻ như việc sẽ phải “xóa sổ” xăng RON-92 là một biện pháp để cứu cánh cho thị trường xăng E5. Liệu đây có phải là biện pháp hay? Hay chúng ta đang nghĩ đến chuyện “cưỡng chế” người tiêu dùng phải sử dụng xăng E5 bằng cách cho xăng truyền thống RON-92 “mất tích”? Khi xăng RON-92 biến mất thì người tiêu dùng rõ ràng không còn lựa chọn nào khác là phải sử dụng xăng RON-95 và xăng E5, và lượng tiêu thụ xăng E5 sẽ tăng. Thế nhưng đây đâu đã phải là cách làm hay, bởi vì chúng ta đang vô tình làm mất đi giá trị đích thực của xăng E5.
Xăng E5 là loại xăng thân thiện với môi trường, giảm nguy cơ cháy nổ so với xăng RON-92. Tại sao các nhà chức trách không nghĩ ra cách làm sao thuyết phục được người dùng mua? Đó là cần phải chứng minh cho người tiêu dùng thấy giá trị đích thực, và những ưu thế khi sử dụng mà xăng E5 mang lại. Thực tế hiện nay người dùng vẫn còn hoài nghi và chưa thực sự thấy hiệu quả của việc dùng xăng E5 là như thế nào, nên họ chưa mặn mà với loại xăng này. Để thị trường xăng dầu thực sự minh bạch và cạnh tranh, các nhà quản lý nên chăng thay vì phải “xóa sổ” xăng RON-92 để “cứu” thị trường xăng E5, thì hãy để cho người dân tự nhận thức được những ưu thế của xăng E5 so với xăng RON-92 mà tự lựa chọn xăng E5. Những ưu thế đó là gì? Chính là giá cả, là chất lượng, là giảm nguy cơ cháy nổ, là giảm khí độc hại xả ra môi trường…

Để làm được điều này, nhất thiết là phải tạo sự chênh lệch về giá cao hơn hiện nay giữa xăng E5 và xăng RON-92; Tập trung đầu tư hơn hữa cho công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về xăng E5, kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình…) với tuyên truyền ngay tại các điểm bán xăng (pano, tờ rơi…)

Nguồn: