Bộ trưởng Bộ Công Thương: Đã có phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam, dự kiến áp dụng từ 11/11
01:53 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Mười Một, 2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chiều qua, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, khóa XV, sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 - lĩnh vực Thanh tra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 5/11

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 5/11

Đại biểu Lê Hoàng Anh - đoàn Gia Lai chất vấn, hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000 đến 600.000 đồng đối với một ôtô đã gây bức xúc cho người dân.

Ông Lê Hoàng Anh đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai thành phố này chưa? Đồng thời, cũng chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Trả lời chất vấn,Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 28/10, chúng tôi đã báo cáo đầy đủ nhận định tình hình, nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Có thể nói, nguyên nhân, giải pháp đến giờ này vẫn còn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, chúng ta vẫn thấy tình hình xăng dầu trên toàn thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến mới. Cụ thể, thứ nhất, nguồn cung cho xăng dầu thế giới thì ngày càng khan hiếm bởi những ngày qua châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga.

Bởi sắp đến ngày 25/11 là ngày phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu của Nga đối với những nước thuộc điều chỉnh của phương Tây.

Thứ hai, tỷ giá ngoại tệ mạnh để có thể nhập khẩu được lượng xăng dầu này như USD và Euro, liên tục thay đổi về tỷ giá, đều tăng 0,75 điểm % trong tuần qua. Dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh trong một vài tuần tới lên ngưỡng 4,25% đối với đồng USD và cũng ngưỡng khoảng trên dưới 5% đối với đồng Euro.

Thứ ba, việc tiếp cận vốn ngoại tệ cũng như việc bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối vàtư nhân phân phối cũng còn gặp khó khăn. Nhiều nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. “Đây là cái khó. Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là ở những thành phố lớn tập trung đông dân cư”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành chức năng vào cuộc. Hiện tại, sự phối hợp giữa các Bộ ngành, đơn vị chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… đã hiệu quả hơn rất nhiều. “Chiều hôm qua 04/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Và cũng ngay trong chiều qua, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật và đây cũng là một tháo gỡ tương đối tốt”, Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với doanh nghiệp mà đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán. Cùng với đó, BộCông Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thịtrường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu và xử lý theo quy định hiện hành.

Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách dứt điểm. Hy vọng rằng, với những nỗ lực như chúng tôi vừa báo cáo thì trong những ngày tới tình hình xăng dầu sẽ cơ bản được giải quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, thị trường xăng dầu thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường trong nước. Bởi lẽ, xăng dầu chúng ta sản xuất ra trong nước mới đạt khoảng 80% nhu cầu, mà trong 80% này, một nửa, thậm chí già nửa, lượng dầu thô chúng ta vẫn phải nhập từ thế giới. Cho nên, thị trường thế giới biến động thì sẽ tác động trực tiếp tới thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh, Việt Nam vẫn đang nhập khoảng 20% xăng dầu thành phẩm nhập từ nước ngoài.

“Đến thời điểm này, theo số liệu chúng tôi có được từ sản lượng sản xuất từ trong nước cũng như số lượng nhập khẩu từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch của cả năm.Mỗi năm chúng ta cần khoảng 18-19 nghìn mét khối, với sản lượng đạt 86%, như vậy nguồn cung ở trong doanh nghiệp cũng như dự trữ thương mại của chúng ta có thể khẳng định là hoàn toàn bảo đảm theo kế hoạch.

Theo Bộ trưởng, đầu năm, chúng ta dự kiến tăng trưởng 6,5% nhưng hiện tại, dự báo GDP cả nước tăng 8%, kéo theo nhu cầu xăng dầu là rất lớn. Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng đã có dự báo và chủ động phối hợp với các bộ ngành xây dựng kịch bản tăng dự trữ xăng dầu thêm 20% sản lượng bình quân hàng năm. Cụ thể, chúng ta sẽ có lượng xăng dầu trong nước khoảng 21 triệu tấn, sản lượng này đủ để đáp ứng cho nhu cầu của cả nước.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ, ngành sửa Nghị định sát hơn với tình hình

Tiếp tục tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong khắc phục tình trạng rối loạn xăng dầu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu nêu thực tế, quy định của Nghị định 95/2021/NQ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95), cụ thể giá xăng dầu điều hành hiện nay lấy giá bình quân của thế giới của 10 ngày trước để tính giá trong nước 10 ngày sau. Như vậy, giá bình quân trong nước chênh lệch, tăng, giảm so với giá thế giới 20 ngày. Có thể năm 2021 phù hợp, năm nay không phù hợp nữa. Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương xem xét.

Về cấp các loại giấy phép, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu, Bộ Công Thương đã cấp phép đến 36 đầu mối và hơn 330 thương nhân phân phối xăng đầu. Trong khi Nhật Bản chỉ 5 đầu mối, Trung Quốc 4 - 6 đầu mối. Điều đó dẫn đến hệ lụy khó quản lý, mong Bộ Công Thương xem xét lại vấn đề này!

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Hiện nay, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước được thực hiện theo Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi. Nếu xét trong bối cảnh thị trường bình thường, điều kiện bình thường thì cách thức điều hành trong 10 ngày so với giá thế giới là phù hợp.

“Tuy nhiên, như tôi đã phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/10, thị trường xăng dầu vừa qua có những diễn biến bất thường và khó lường, điều này dẫn đến việc quy định hiện hành đã bộc lộ những khuyết điểm cần phải được điều chỉnh trong thời gian tới. Chính phủ nhận thấy điều này và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến vấn đề cấp phép cho thương nhân và đầu mối xăng dầu, Bộ trưởng cho biết việc cấp phép được thực hiện theo các quy định hiện hành và căn cứ quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95. Và, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự Bộ cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã thống nhất chủ trương không cấp thêm giấy phép mới mà chỉ cấp, đổi giấy phép. Việc cấp đổi này cũng được thực hiện khi doanh nghiệp chứng minh đủ điều kiện cũng như đáp ứng được các yêu cầu theoquy định.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng hệ thống kinh doanh xăng dầu cũng đang qua nhiều tầng, nấc như thế này sẽ rất rối trong những tình huống thị trường biến động, bất thường. Chính vì vậy, thời gian tới cần có sự sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến hệ thống các thương nhân phân phối.

Liên quan đến ý kiến đại biểu về thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu làm sao chỉ đạo sát hơn với tình hình thực tế và diễn biến thị trường thế giới. Nếu 10 ngày không phù hợp thì phải rút xuống 5 ngày, thậm chí là hàng ngày. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi nếu nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra về kinh doanh xăng dầu. “Chúng tôi đã và đang tiến hành công tác thanh tra đối với lĩnh vực nàỵ, góp phần cùng Bộ Công Thương chỉ ra tồn tại, hạn chế để khắc phục, đảm bảo bình ổn giá xăng dầu” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.

Nguồn: