Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức sàn giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023
02:58 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Mười Hai, 2022

Bộ Tài chính vừa có dự thảo tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.

Nghị quyết sẽ góp phần kiềm chế làm phát

Tại dự thảo lần 2 của tờ trình Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như năm 2022 (áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Bộ Tài chính đánh giá tác động tích cực của dự thảo Nghị quyết là việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.

Trong thời gian qua, giá xăng dầu trong nước giảm ngoài nguyên nhân do giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm thì việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, điều này được thể hiện rõ khi mức giá bán lẻ xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng các Nghị quyết giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đều giảm so với kỳ điều chỉnh liền kề trước như nêu trên. Như vậy, thực tế cho thấy mức thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh linh hoạt và đúng thời điểm (trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến nền kinh tế vĩ mô trong nước) đã góp phần kiểm soát, kiềm chế sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước và góp phần làm giảm chỉ số CPI.

Dự báo giá xăng, dầu thế giới và trong nước vẫn ở mức cao

Dự báo giá xăng, dầu thế giới và trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Căn cứ diễn biến giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới, trên cơ sở dự đoán giá dầu thô thế giới của đơn vị nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, dự báo giá bình quân các mặt hàng xăng dầu Quý IV/2022 sẽ ở mức 95-100 USD/thùng (tăng 4,45%-11,70% so với cùng kỳ năm 2021), cả năm 2022 ở mức 110-120 USD/thùng (tăng từ 40,5%-59,9% so với năm 2021).

Với mức ước giá thành phẩm xăng dầu như trên, bình quân giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2022 ước tăng so với bình quân giá bán lẻ xăng dầu năm 2021 từ 29,24%-37,66% đối với mặt hàng xăng và tăng khoảng 55,57%-59,78% đối với mặt hàng dầu diesel.

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức sàn giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức sàn giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023 - Ảnh minh họa

Dự báo năm 2023 giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ở mức 95-105 USD/thùng (giảm 12%-20% so với ước giá bình quân năm 2022). Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ước năm 2023 tuy có giảm so với ước giá bình quân năm 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo tình hình tiêu thụ xăng dầu năm 2023: Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao để phục hồi kinh tế sau đại dịch, dự báo sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,50 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với sản lượng tiêu thụ năm 2022. Trong đó, ước mặt hàng xăng đạt khoảng 10,97 triệu m3 (chiếm 42,3%), dầu diesel đạt khoảng 14,50 triệu m3 (chiếm 55,9%), dầu mazut đạt khoảng 0,43 triệu tấn (chiếm 1,6%), dầu hỏa đạt khoảng 0,051 triệu m3 (chiếm 0,2%).

Hàng loạt các mặt hàng xăng, dầu sẽ giảm giá

Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/11/2022 thì giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm tương ứng như sau:

Đối với xăng: Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 3.300 đồng/lít.

Đối với nhiên liệu bay: Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ nhiên liệu bay (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 2.200 đồng/lít.

Đối với dầu diesel: Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 1.500 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ dầu diesel (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 1.650 đồng/lít.

Đối với dầu mazut, dầu nhờn: Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 1.700 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ dầu mazut, dầu nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 1.870 đồng/lít.

Đối với mỡ nhờn: Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 1.700 đồng/kg so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ mỡ nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 1.870 đồng/kg.

Đối với dầu hỏa: Với việc giảm mức thuế BVMT 700 đồng/lít so với mức 1.000 đồng/lít từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ dầu hỏa (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 770 đồng/lít.

Tuy nhiên, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới nên mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.

Giảm thuế đối với xăng, dầu góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bộ Tài chính cũng cho biết, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo vẫn còn ở mức cao.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ làm giảm giá xăng dầu, từ đó sẽ có tác động tích cực đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể:

Đối với người dân, người lao động: Hiện nay, đời sống người lao động, người dân trong nước còn gặp nhiều khó khăn do giá cả một số mặt hàng tăng cao trong đó có mặt hàng xăng dầu. Việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác, khi đó hộ gia đình sẽ có thêm một phần chi tiêu, qua đó làm tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đối với các ngành sản xuất: Xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng dầu... Do đó, các ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nguồn: