Trung Quốc liệu có cứu được Venezuela?
01:57 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Sáu, 2016

Trước khi khủng hoảng ở Venezuela trở nên trầm trọng đến mức khó có thể cứu vãn được như hiện tại, Caracas còn có thể đem dầu mỏ gán cho Bắc Kinh để đổi lấy những khoản vay hậu hĩnh. Nhưng tình hình bây giờ đã khác…

Venezuela ngày càng giống với một đất nước thất bại và dường như không có giải pháp hay vị cứu tinh nào có khả năng kéo quốc gia Nam Mỹ này ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng hiện tại. Đất nước với 30,5 triệu dân này đang trải qua những ngày tháng tồi tệ nhất trong lịch sử: lạm phát phi mã hằng năm lên tới 3 con số, tất cả các dịch vụ công cộng thiết yếu gần như tê liệt, vật tư cơ bản thường xuyên thiếu hụt, tội phạm tràn lan…

trung quoc lieu co cuu duoc venezuela

Người biểu tình va chạm với cảnh sát Venezuela trên đường phố Caracas hôm 6-6-2016

Nhưng quan sát từ bên ngoài, người ta dường như chỉ chú ý đến các thông tin về sự hỗn loạn ở Venezuela, cảm thán trước những khó khăn trong cuộc sống của người dân ở đây - đại loại như câu chuyện về một nữ công chức ở thủ đô Caracas phải mua 12 quả trứng từ chợ đen với giá hơn 1.500 bolivar (nếu tính theo tỉ giá của Venezuela thì số tiền này tương đương với hơn 150 đôla, tức hơn 4,7 triệu đồng), hay dự đoán về nguy cơ đảo chính quân sự ở nước này… mà ít lưu tâm đến một câu chuyện hậu trường của cuộc khủng hoảng. Đó là những diễn biến ở Venezuela có tác động thế nào đến Trung Quốc - nhà tài trợ kinh tế lớn nhất của Venezuela kể từ khi ông Hugo Chávez lên nắm quyền Tổng thống vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Bắc Kinh cũng đồng thời là người ủng hộ lớn nhất đối với chính sách đối ngoại và kinh tế toàn cầu của Caracas.

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc lại tăng cường hỗ trợ và thắt chặt quan hệ với một đất nước giàu tiềm năng năng lượng như Venezuela. Chẳng gì thì Caracas cũng được xếp là nhà khai thác dầu mỏ lớn thứ 10 toàn cầu và chủ sở hữu một trữ lượng dầu được chứng minh lớn hơn cả Arập Xêút (khoảng 298 tỉ thùng). Ngoài ra, Trung Quốc còn có tham vọng khai thác những mỏ vàng, trở thành những nhà thầu xây dựng lớn ở Venezuela và biến quốc gia Nam Mỹ này thành thị trường xuất khẩu của họ.

Bắc Kinh từ lâu đã xem Venezuela là điểm xuất phát, là “căn cứ” để họ bành trướng sự hiện diện tại Mỹ Latinh - vốn là “sân sau” của Mỹ. Khi áp dụng chính sách chống Mỹ, ông Chávez và người kế nhiệm của ông sau này là đương kim Tổng thống Nicolás Maduro, đều cần một đối tác kinh tế để lấp chỗ trống. Điều này mang lại cho Trung Quốc cơ hội để gia tăng sự hiện diện của họ thông qua các khoản tài trợ kinh tế hào phóng. Chỉ trong ít năm, Venezuela đã trở thành con nợ lớn nhất của Bắc Kinh bên ngoài châu Á và là nước nhận viện trợ lớn thứ 3 của Trung Quốc. Những gì Caracas nhận của Bắc Kinh chiếm 52% trong tổng số viện trợ của siêu cường châu Á dành cho cả khu vực Mỹ Latinh.

Trong vòng 16 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp cho Venezuela hơn 125 triệu USD, dưới hình thức viện trợ trực tiếp hoặc cho vay với điều kiện rất thuận lợi. Venezuela đã trả nợ bằng những chuyến hàng dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc (mà theo một số ước tính, tỷ suất lợi tức khoảng 7 tỉ USD 1 năm). Ngoài ra, Caracas còn trao cho các công ty của Bắc Kinh các đặc quyền, đặc lớn trong các dự án chính phủ được tài trợ bằng nguồn vốn vay của Trung Quốc. Năm 2008, Trung Quốc đã góp tới 4 tỉ USD cùng với Venezuela lập một quỹ phát triển chung trị giá 6 tỉ USD để tài trợ cho các dự án như vậy. Một trong các dự án đó là Dự án đường sắt Tinaco-Anaco dài 470km, trong đó Trung Quốc là nhà tài trợ và giám sát, thông qua Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Thế nhưng, cũng giống như nhiều dự án công cộng ở Venezuela, dự án này cũng gặp trục trặc do quản lý yếu kém và tham nhũng. Dự án đã bị quá hạn 4 năm và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ được khởi động lại.

Dự án Đường sắt Tinaco-Anaco chính là một trong những câu chuyện tiêu biểu về nền kinh tế Venezuela trong những năm gần đây. Khi giá dầu sụt giảm và tình hình chính trị tổng thể đi xuống, một nền kinh tế có tới 95% doanh thu xuất khẩu là từ dầu mỏ như Venezuela đột ngột xấu đi và chênh vênh bên bờ vực phá sản. Với dự trữ ngoại tệ sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, chỉ còn 12,6 tỉ USD và một khoản nợ khác hơn 10 tỉ USD phải trả trong năm 2016, nhiều nhà phân tích sợ rằng Venezuela chẳng thể trả nổi nợ của họ và đó là một mặc định chắc chắn sẽ xảy ra trong vài tháng tới.

Ngoài ra, để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ Trung Quốc, nếu như trước đây - khi giá dầu còn ở mức 100USD/thùng, Venezuela cần phải chở cho Trung Quốc khoảng 228.000 thùng dầu/ngày, thì ở hiện tại - với mức giá loanh quanh 40-50USD/thùng như hiện nay, Venezuela cần phải cung cấp cho Bắc Kinh thêm gần 4 lần lượng dầu đó. Tất nhiên, Caracas khó có thể đáp ứng được kỳ vọng trên. Và đương nhiên, Trung Quốc cũng thấy khó xử với Venezuela. Bắc Kinh chỉ có thể lựa chọn hoặc giãn nợ cho Venezuela với hi vọng sẽ “gỡ gạc” lại dần nếu giá dầu cứ ổn định ở mức 40-50 USD/thùng như hiện tại; hoặc để mặc cho kinh tế Venezuela sụp đổ. Mà nếu Bắc Kinh không “ném phao” cho Caracas, thì khả năng Venezuela sẽ có tân chính phủ, mà đến lúc đó thì chắc chắn những người mới sẽ ưu tiên bán dầu cho những khách hàng trả tiền mặt, chứ không ưu tiên thực hiện thỏa thuận với Trung Quốc. Chuyện Venezuela có tân chính phủ khi đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chuyện cung cấp dầu trả nợ cho Trung Quốc, mà còn có các ảnh hưởng khác đến vị thế và ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Venezuela và cả khu vực Mỹ Latinh sau này.

Do đó, Trung Quốc không còn cách nào khác là “ngậm ngùi” nới lỏng các điều kiện thanh toán cho Caracas và tiếp tục theo dõi các diễn biến ở Venezuela để tìm các phương cách cứu vãn tài sản có lợi nhất cho họ. Đối với việc Venezuela cạn tiền và phải bán một lượng lớn vàng vừa qua, Trung Quốc cũng được xem là một trong những người quan tâm. Tờ Financial Times (Anh) cho biết, hồi cuối tháng 5, dự trữ vàng của Venezuela “đã xuống đến mức thấp nhất từng được ghi nhận” khi ngân hàng trung ương đã quyết định bán 43,1 tấn. Theo IMF, điều này đã làm dấy lên một làn sóng mua vàng từ nhiều quốc gia, trong đó có Nga 17,86 tấn, Trung Quốc 10,9 tấn, Kazakhstan 3,52 tấn và Thổ Nhĩ Kỳ 2,86 tấn vàng.

Ở thời điểm này, khi cuộc khủng hoảng Venezuela đang tiếp tục diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư và chính phủ đang chú ý nhiều đến phản ứng của Trung Quốc. Cho dù Bắc Kinh lên tiếng tuyên bố “khủng hoảng là chuyện nội bộ của Venezuela”, nhưng như đã phân tích ở trên, Bắc Kinh không thể không “ném phao” cho Caracas, còn nếu đã “ném phao” mà người Bắc Kinh muốn cứu vẫn không trụ được thì lúc đấy sẽ lại là một câu chuyện khác.

Nguồn: