Tổng thống Nga ký luật tự do hóa xuất khẩu khí hóa lỏng
02:16 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Mười Hai, 2013

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký luật tự do hóa xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG), tạo điều kiện cho một loạt các công ty, ngoài Tập đoàn khí đốt Gazprom, cung cấp LNG ra thị trường nước ngoài.

Nhà máy sản xuất khí hoá lỏng gần Korsakov trên đảo Sakhalin của Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo luật trên, những công ty có giấy phép xây dựng nhà máy hóa lỏng khí tự nhiên, cũng như các doanh nghiệp chuyên phát triển khai thác mỏ trên thềm lục địa và có cổ phần nhà nước hơn 50%, sẽ có quyền xuất khẩu LNG.

Trước tiên là công ty Novatek với dự án đầy hứa hẹn mang tên "Yamal LNG," và Rosneft - công ty đang phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh doanh khí đốt.

Tập đoàn Gazprom neft và Zarubezhneft cũng có thể được hưởng lợi ích tiềm năng từ luật mới.

Thị trường tiêu thụ LNG chính của Nga là các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhu cầu tiêu thụ loại nhiên liệu này đang tăng với tốc độ chóng mặt.

Thị trường LNG là một trong những thị trường phát triển tốc độ nhất thế giới khi tăng trưởng đến 80% trong vòng bảy năm. Thị phần của Nga hiện nay chỉ dưới 5%, tuy nhiên, nhờ luật trên, chỉ số này sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030.

Đối với Nga, điều đó đồng nghĩa với việc phát triển hơn nữa vùng thềm lục địa Bắc Cực, thu hút công nghệ mới và tạo thêm những ưu đãi mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Hiện, tại Nga chỉ có một nhà máy LNG đang hoạt động trong phạm vi dự án "Sakhalin -2," mà cổ đông chính là Gazprom. Bên cạnh đó, còn có một số dự án LNG khác liên doanh với các tập đoàn nước ngoài.

Tập đoàn Gazprom cũng có kế hoạch phát triển mới như tăng công suất dự án "Sakhalin" lên 15 triệu tấn LNG mỗi năm từ mức 10 triệu tấn/năm hiện nay, xây dựng một nhà máy ở Vladivostok, và mở rộng hơn nữa thị trường sang châu Âu.

Điều này thể hiện qua việc ngày 4/12, Gazprom đã khai trương văn phòng đại diện tại Brussels (Bỉ) - được xem là "thủ đô" của Liên minh châu Âu.

Theo cơ quan báo chí của Gazprom, hơn 40 năm qua, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với Gazprom.

Tập đoàn này đang cung cấp khí đốt tự nhiên cho 20 quốc gia châu Âu và đầu tư hàng tỷ euro cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn xuyên châu Âu.

Tới nay, tập đoàn năng lượng toàn cầu này đã có mạng lưới cơ quan đại diện rộng lớn ở nước ngoài (với 13 văn phòng) và dự định tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại những thị trường tiêu thụ chính, cũng như những thị trường tiềm năng./.

Nguồn: