Trong lần đầu công khai chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia, Bộ trưởng dầu mỏ Ali al-Naimi tuyên bố, Riyadh sẽ không hạn chế sản lượng dầu thô.
Bộ trưởng al-Naimi cho rằng, chính các nhà sản xuất kém hiệu quả hơn như Mỹ, Canada cần xử lý tình trạng dư thừa dầu thô hiện tại. Theo ông, đây là cách hiệu quả để tái cân bằng các thị trường.
Dù bán dầu với mức giá 20 USD/thùng là điều Riyadh không mong muốn song trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia cho hay nước này sẽ vẫn sẵn sàng bơm dầu để bán vì vẫn thu được lợi nhuận.
Cuộc chiến thị phần giữa các cường quốc dầu mỏ vẫn diễn ra gay gắt khiến giá dầu khó tăng trở lại
Cũng theo tuyên bố của ông Naimi, một lí do khác khiến Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng khai thác dầu là bởi nước này thiếu niềm tin nơi các đối thủ. Ông Naimi nhận định, dù nhiều nước tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu song trên thực tế không có nhiều quốc gia sẽ thực hiện việc này.
Tuyên bố của Bộ trưởng Naimi được đưa ra không lâu sau khi Saudi Arabia đạt được thỏa thuận với Nga về việc giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như trong tháng 1/2016 nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định.
Vào thời điểm này, hai quốc gia nói trên cũng đã bơm dầu tới mức cao kỷ lục. Thêm nữa, nhu cầu dầu thế giới đã bão hòa.
Trao đổi trên Đất Việt, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, nó không có ý nghĩa nhiều đối với thị trường dầu mỏ thế giới vì khối lượng dầu dư thừa và dự trữ đã lên đến cả năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ Nga, Saudi Arabia mà một số quốc gia xuất khẩu dầu khác tham gia vào thỏa thuận này cũng không có tác dụng nhiều bởi nó chỉ làm giảm lượng dầu thừa hàng ngày, dầu thừa vẫn cứ thừa, chẳng qua mức thừa đó giảm bớt đi mà thôi.
"Không có triển vọng gì cho giá dầu với thỏa thuận của Nga-Saudi Arabia. Lưu ý rằng Nga và Saudi Arabia chỉ giữ nguyên sản lượng đang ở mức kỷ lục chứ không phải cắt giảm. Hơn nữa triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa mấy sáng sủa, từ Trung Quốc đến Ấn Độ hay các quốc gia khác đều chưa có triển vọng gì về việc tiêu thụ dầu nhiều trở lại. Kể cả Trung Quốc có tăng trưởng trở lại thì họ cũng không thể tiêu thụ nhiều dầu như trước đây vì nhiều lý do, mà lớn nhất là vấn đề môi trường.
Ngoài ra, Iran mới nhập cuộc trở lại thị trường xuất khẩu dầu, bây giờ bảo họ giảm sản lượng làm sao họ đồng ý? Nếu các nước khác giảm bao nhiêu thì Iran lại bơm lên bấy nhiêu. Chưa kể, nếu các nước cắt giảm sản lượng dầu, không bán ra thì các công ty dầu phiến sét của Mỹ sẽ bán, chiếm lấy thị phần mà các nước kia rời bỏ. Do đó, dẫu các nước có cắt giảm thì tình hình vẫn không sáng sủa, thậm chí chính những nước cắt giảm đó còn gánh phần thua thiệt", ông Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Theo vị chuyên gia này, thỏa thuận của Nga-Saudi Arabia chỉ có tác dụng giữ nguyên thị phần của hai quốc gia này trên thị trường dầu lửa.
Và một lần nữa, với tuyên bố của Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia, cơ hội để giá dầu tăng trở lại là không nhiều.
TIN KHÁC
Hai nhân tố đẩy giá dầu thế giới đi xuống phiên 3/7(04/07/2025)
Giá dầu thế giới tăng vọt 3% phiên 2/7(03/07/2025)
Trung Quốc bất ngờ tăng nhập dầu Iran: Tính toán chiến lược giữa vùng xoáy Trung Đông(02/07/2025)
Giá dầu thế giới ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp(01/07/2025)
Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận áp đặt lệnh cấm vận mới lên Triều Tiên(25/02/2016)