OPEC: Dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu đến năm 2045
01:38 SA @ Thứ Sáu - 01 Tháng Mười, 2021

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nói rằng, dầu mỏ vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ chốt hàng đầu trong nhiều thập kỷ tới, giữa bối cảnh giá dầu thế giới đang đạt mức cao nhất trong ba năm.

Cơ sở khai thác dầu thô. Ảnh: Benzinga/TTXVN

Mặc dù thừa nhận sự tiến bộ không thể phủ nhận của các nguồn năng lượng thay thế và công nghệ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nói rằng, dầu mỏ vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ chốt hàng đầu trong nhiều thập kỷ tới, giữa bối cảnh giá dầu thế giới đang đạt mức cao nhất trong ba năm.

*Nhu cầu dầu giảm ở các nước phát triển

Trong báo cáo thường niên về Triển vọng Dầu mỏ Thế giới (WOO), OPEC thừa nhận rằng xe điện ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong số các phương tiện giao thông và sự thúc đẩy năng lượng thay thế và tái tạo sẽ thực sự mở ra kỷ nguyên sụt giảm nhu cầu dầu mỏ ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, OPEC cho biết, nhu cầu năng lượng gia tăng tại các nền kinh tế khác trên thế giới đồng nghĩa với việc dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn năng lượng số một thế giới đến năm 2045.

Báo cáo của OPEC được đưa ra giữa lúc các nền kinh tế trên toàn cầu vừa trải qua những “cú sốc” kinh tế nghiêm trọng do đại dịch, làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và khiến nguồn cung các loại hàng hóa, bao gồm cả dầu mỏ, trở nên khan hiếm hơn.

Đáng chú ý, ngày 28/9, giá dầu thô Brent Biển Bắc chạm mức 80 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng áp sát mức này. Giá dầu Brent Biển Bắc và WTI đều đạt mức cao nhất trong ba năm.

Hồi cuối tháng 8/2021, siêu bão Ida đã đổ bộ vào vùng duyên hải Vịnh Mexico của nước Mỹ, một trong những khu vực khai thác và sản xuất dầu mỏ quan trong của nước này, qua đó khiến tình hình căng thẳng về nguồn cung càng nghiêm trọng hơn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo Khảo sát của Lundberg, giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng trở lại vào cuối tuần qua và hiện vẫn cao hơn 1 USD/gallon (1 gallon= 3,78 lít) so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng sâu vào năm 2020, trong thời kỳ đại dịch bùng phát, OPEC đã tăng sản lượng một cách chậm rãi.

OPEC cho biết, báo cáo WOO năm nay cho thấy rõ ràng là nhu cầu năng lượng và dầu mỏ đã tăng đáng kể vào năm 2021, sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2020 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong dài hạn.

Nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 28% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2045, ghi nhận ở tất cả nguồn năng lượng chủ chốt và được thúc đẩy bởi dự báo quy mô nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2045, với việc thế giới có thêm khoảng 1,7 tỷ người.

Chỉ có than đá được đánh giá là sẽ ghi nhận mức tiêu thụ ít hơn, còn nhu cầu đối với các nguồn năng lượng khác sẽ ngày càng tăng, mặc dù tỷ trọng tiêu thụ lớn hơn sẽ dần chuyển sang các loại năng lượng tái tạo, hạt nhân và khí tự nhiên.

Báo cáo của OPEC “phác họa” một tương lai suy giảm nhu cầu dầu mỏ ở các cường quốc lớn thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 thành viên, khi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu được thực hiện thực hiện thông qua việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và nhiên liệu thay thế đối với nhiều phương tiện giao thông như ô tô, máy bay và tàu thủy.

OPEC dự báo rằng, lượng ô tô lưu thông trên thế giới sẽ tăng từ 1,1 tỷ xe lên 2,6 tỷ xe vào cuối năm 2045, và 500 triệu xe trong số đó (tương đương 20%) sẽ chạy hoàn toàn bằng điện.

*Tương lai không phát thải

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và mở rộng của tầng lớp trung lưu ở phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu mỏ vẫn sẽ tăng trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2045, mặc dù phần lớn sự gia tăng đó sẽ diễn ra trong quãng thời gian ban đầu của giai đoạn này.

Theo OPEC, dầu mỏ sẽ đáp ứng 28,1% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2045, giảm so với tỷ lệ tương ứng 30% của năm 2020.

Song con số này vẫn cao hơn tỷ lệ đáp ứng nhu cầu năng lượng của khí tự nhiên là 24,4% và than là 17,4%. Các nguồn năng lượng thủy điện, năng lượng hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió và Mặt Trời chiếm phần còn lại.

Nguyên nhân chính được nêu ra cho việc giảm sử dụng năng lượng trong các nước phát triển là nhân khẩu học: dân số ngày càng giảm và già hóa góp phần dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Thêm vào đó, báo cáo của OPEC lưu ý rằng, nhận thức ngày càng tăng về sự cần thiết phải đẩy nhanh các hành động để giải quyết biến đổi khí hậu đã dẫn đến các chính sách mới đầy tham vọng nhằm đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada và Brazil đều đã đề xuất lộ trình để đáp ứng các mục tiêu mới này.

Trong tháng Chín này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh đặt mục tiêu cho việc nâng tỷ lệ các loại xe không phát thải chiếm một nửa tổng số ô tô bán ra tại Mỹ vào năm 2030.

Tuy nhiên, OPEC bày tỏ sự hoài nghi lớn về việc liệu tất cả cam kết về chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng này có được đáp ứng trong khung thời gian đề xuất hay không.

Ví dụ, EU hồi tháng 7/2021 đã đưa ra kế hoạch mang tên “Fit for 55” do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng, mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng điện.

EU tuyên bố sẽ giảm lượng khí thải xuống 55% so với mức của năm 1990 vào năm 2030.

OPEC cho rằng kế hoạch trên cho đến thời điểm hiện tại vẫn cần được tất cả quốc gia thành viên EU tiến hành đàm phán và thông qua, qua đó cho thấy tính khả thi không cao hoặc thậm chí là có nguy cơ bị "chìm xuồng".

Vương quốc Anh sẽ tổ chức hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) của Liên hợp quốc từ ngày 31/10 đến ngày 12/11 ở Glasgow, Scotland, nơi các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia sẽ tìm cách giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu./.

Nguồn: