Việc Nga và Ả Rập Saudi hợp tác cùng nhau để vực dậy giá dầu bằng cách kìm hãm sản lượng được xem là một cú áp phe lớn đủ sức để đưa giá dầu về mức cao trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thỏa thuận tưởng như chắc chắn đó có đủ khả năng vực dậy giá dầu hay không, lại còn phải phụ thuộc vào Mỹ và Iran.
Giá dầu là điểm nóng trên thế giới
Một thỏa thuận có quy mô lớn nhất trong giới các quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới sau 16 năm về việc quyết định giá trị loại vàng đen này dường như đang đi đến hồi kết. Sau thỏa thuận nổi tiếng năm 1999 giữa tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với Mexico để vực dậy giá dầu, thì một thỏa thuận tương tự cũng đang sắp hoàn tất, khi quốc gia đứng đầu OPEC là Ả Rập Saudi sẽ cùng với Nga đóng băng sản lượng khai thác của mình trong thời gian tới. Việc hai nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu dầu mỏ hợp tác cùng nhau để vực dậy giá dầu bằng cách kìm hãm sản lượng được xem là một cú áp phe lớn đủ sức để đưa giá dầu về mức cao trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thỏa thuận tưởng như chắc chắn đó có đủ khả năng vực dậy giá dầu hay không, lại còn phải phụ thuộc vào Mỹ và Iran.
Theo đó, thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Saudi tại cuộc gặp ở Doha, Qatar ngày 16.2 vừa qua về việc đóng băng sản lượng khai thác dầu mỏ sắp đi đến hồi kết. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak vừa tuyên bố trên một kênh truyền hình Nga, theo đó các bên tham gia sẽ đồng ý hoàn tất các thỏa thuận vào ngày 1.3 sắp tới. Ngoài Nga và Ả Rập Saudi, một số nước thành viên OPEC khác cũng tỏ ý sẵn sàng tham gia thỏa thuận này là Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Venezuela. Ngoài ra, một số nước thành viên khác của OPEC nhiều khả năng cũng sẽ tham gia trong thời gian tới là Lybia và Algeria. Chưa kể thỏa thuận này còn nhận được sự đồng thuận từ một số nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC như Na Uy và Mexico.
Nếu thỏa thuận này được hoàn tất, nó sẽ là một trong những thỏa thuận lớn nhất trên thị trường dầu thế giới kể từ năm 1999. Dù thỏa thuận giữa OPEC và Mexico năm 1999 hướng tới việc giảm sản lượng để nâng cao giá dầu, còn thỏa thuận ở Doha lần này chỉ có tác dụng đóng băng sản lượng khai thác giữa Nga và Ả Rập Saudi mà chưa dẫn đến việc giảm sản lượng.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Dầu lửa Ả Rập Saudi là Ali al-Naimi đã phát biểu hôm 16.2 thì việc đóng băng sản lượng mới chỉ là bước đầu tiên của thỏa thuận Doha mà thôi, và các nước tham gia hoàn toàn có thể cân nhắc “các bước đi tiếp theo” nếu thấy cần thiết, với hàm ý việc giảm sản lượng là điều có thể diễn ra. Điều này là có cơ sở, khi mà mục tiêu chung mà cả Ả Rập Saudi và Nga hướng tới là 50 USD/thùng, mức giá mà ông Naimi cho rằng là chấp nhận được đối với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng trong dài hạn.
Tuy nhiên, thỏa thuận quan trọng này được các nhà phân tích cho rằng vẫn là chưa đủ để đảm bảo nâng giá cao trở lại từ mức khoảng 30 USD/thùng hiện nay. Trước hết, nó chưa giải quyết được tình trạng dư thừa nguồn cung vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng giá dầu thấp hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexey Texler thì khi thỏa thuận đóng băng này được thực hiện, tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên thế giới có thể giảm khoảng một nửa, từ mức 1,8 triệu thùng/ngày hiện nay. Nó có nghĩa là tình trạng dư thừa dầu vẫn sẽ diễn ra. Đó là chưa kể trường hợp các quốc gia khác không tham gia thỏa thuận Doha có thể nâng sản lượng khai thác để tận dụng cơ hội giá dầu cao trở lại.
Hai quốc gia được xem là có thể khiến thỏa thuận Doha bị phá sản ở thời điểm hiện tại là Mỹ và Iran. Iran là một quốc gia thành viên của OPEC, tuy nhiên nước này lại không chịu nhiều ràng buộc với Ả Rập Saudi như các nước thành viên khác. Trong bối cảnh Iran vừa mới được dỡ bỏ các lệnh cấm vận và muốn nâng sản lượng khai thác để bù đắp lại việc một thời gian dài không thể xuất khẩu dầu, thì sẽ rất khó để Ả Rập Saudi có thể thuyết phục Tehran tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng này. Ở thời điểm hiện tại, sản lượng của Iran là khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, và có thể nâng lên mức 2 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 3.2016. Việc tổng cung trên thị trường dầu tăng thêm 2 triệu thùng/ngày của Iran có thể khiến thành quả là giảm 900.000 thùng/ngày dư thừa trên thị trường thế giới của thỏa thuận Doha tan thành mây khói.
Nhưng, bất chấp tất cả những điều đó, Mỹ mới là quốc gia có thể gây ra nhiều trở ngại nhất cho thỏa thuận Doha giữa Nga và Ả Rập Saudi trong việc vực dậy giá dầu. Theo đó, Mỹ vừa mới dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu từ tháng 12.2015 và bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang thị trường châu Âu. Việc mở rộng thị trường ra ngoài thị trường nội địa đang có thể là động lực khiến cho ngành dầu Mỹ mở rộng quy mô và sản lượng khai thác. Dù Mỹ chỉ ở một vị trí rất thấp trong danh sách các nước xuất khẩu dầu do đến tháng 12 năm ngoái nước này mới gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, nhưng về sản lượng khai thác dầu thì Mỹ mới là số một thế giới, với sản lượng khoảng 13 triệu thùng/ngày, chủ yếu là phục vụ thị trường nội địa.
Tuy nhiên, tác động lớn nhất mà Mỹ có thể gây ra cho thỏa thuận Doha và việc vực dậy giá dầu lại là thông qua tỷ giá đồng USD. Việc dư thừa nguồn cung lớn trên thị trường dầu hiện nay một phần xuất phát từ nguyên nhân là do tỷ giá đồng USD. Cụ thể là, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu sử dụng chính sách đồng USD yếu để kích thích hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, thì hầu hết các nước xuất khẩu dầu (trong đó có OPEC) bắt đầu có xu hướng vay vào để mở rộng sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu liên tục có xu hướng tăng trong vòng 5 năm trở lại đây.
Nhưng khi mà kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2014, và FED bắt đầu siết chặt lãi suất đồng USD để tạo sự ổn định cho nền kinh tế thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Đồng USD tăng giá đã buộc các công ty dầu trên khắp thế giới phải tăng sản lượng khai thác để có tiền trả nợ, do gánh nặng nợ trên vai họ tăng lên đáng kể do đồng USD tăng giá.
Theo thống kê, các khoản nợ đang lưu hành của các công ty dầu và khí đốt trên toàn cầu đã tăng từ mức 455 tỉ USD vào năm 2006 lên mức 1.400 tỉ USD vào năm 2014. Khi đồng USD bắt đầu tăng giá khoảng 20% do FED siết chặt lãi suất trong vòng 2 năm qua cũng chính là thời điểm dầu bắt đầu sụt giá mạnh trên thị trường, do các công ty phải đẩy mạnh khai thác để trả nợ dẫn đến tình trạng dư thừa quá lớn.
Vì thế, việc thỏa thuận Doha có giúp giá dầu tăng trở lại hay không còn phải phụ thuộc vào việc FED có tiếp tục siết chặt tiền tệ và nâng lãi suất đồng USD nữa hay không. Nếu FED tiếp tục nâng lãi suất thì tình trạng dư thừa nguồn cung chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra bất chấp thỏa thuận đóng băng sản lượng ở Doha. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì khả năng FED đứng về phía thỏa thuận Doha có vẻ nhiều hơn, khi mà kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV năm 2015 chỉ còn khoảng 0,7% trong khi mức kỳ vọng là trên 2%. Nó cho thấy các chính sách siết chặt tiền tệ trước đó của FED dường như không hiệu quả, và đích thân Chủ tịch FED là bà Janet Yellen đã tuyên bố sẽ xem xét hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng nếu cần thiết. Chỉ khi nào FED hạ lãi suất, thì khi đó thỏa thuận Doha mới có nhiều khả năng đạt được mục tiêu mà Nga và Ả Rập Saudi đã đề ra.
TIN KHÁC
Indonesia và Arab Saudi ký thỏa thuận đầu tư trị giá 27 tỷ USD(04/07/2025)
Hai nhân tố đẩy giá dầu thế giới đi xuống phiên 3/7(04/07/2025)
Trung Quốc bất ngờ tăng nhập dầu Iran: Tính toán chiến lược giữa vùng xoáy Trung Đông(02/07/2025)
Giá dầu tăng nhờ tín hiệu nhu cầu tích cực(02/07/2025)
Giá dầu thế giới ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp(01/07/2025)