Mỹ sắp trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới
01:36 SA @ Thứ Sáu - 26 Tháng Mười, 2012

Lượng dầu mỏ khai thác tại Mỹ đang ngày càng tăng mạnh do đó, khả năng Mỹ sắp vượt mặt Ả Rập Saudi để trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Trong năm nay, nhờ sử dụng các phương pháp khoan dò mới, sản lượng dầu thô và các chất hydrocacbon lỏng tại Mỹ đã tăng thêm 7% so với mức trung bình 10,9 triệu thùng/ngày. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ tăng mạnh và là năm khai thác lớn nhất kể từ năm 1951.

Sản lượng khai thác dầu mỏ tại Mỹ gia tăng đã gây ngạc nhiên lớn cho cả các chuyên gia kinh tế.
Bộ Năng lượng Mỹ dự đoán sản lượng dầu thô và các chất hydrocacbon lỏng bao gồm nhiên liệu sinh học sẽ đạt mức trung bình 11,4 triệu thùng/ngày trong năm tới. Đây là mức kỷ lục khai thác mà Mỹ đạt được song vẫn thấp hơn Ả Rập Saudi (11,6 triệu thùng).

Theo Citibank, sản lượng khai thác của Mỹ có thể đạt 13 – 15 triệu thùng/ngày vào năm 2020 – biến khu vực Bắc Mỹ trở thành "một Trung Đông mới".


     Mỹ sắp trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới(Ảnh: Nguồn Internet)

Mỹ từng là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2002, sau khi Ả Rập Saudi thực hiện cắt giảm mạnh sản lượng khai thác do giá dầu sụt giảm sau sự kiện 11/9. Tuy nhiên, những năm sau đó, Ả Rập Saudi và Nga liên tiếp giành ngôi dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ.

Mặc dù, Mỹ vẫn cần phải nhập khẩu thêm lượng lớn dầu mỏ trong những năm tới bởi mỗi ngày, dân Mỹ tiêu thụ tới 18,7 triệu thùng dầu. Song nhờ khai thác nội địa tăng mạnh và áp dụng công nghệ tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu trong các dòng xe cá nhân và xe tải, mà lượng nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ sẽ giảm xuống còn một nửa vào cuối thập niên này.

Sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng mạnh song nó không đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ hạ mà trái lại xu hướng giá dầu sẽ còn tăng cao trong những năm tới do nhu cầu nhập khẩu dầu ngày càng gia tăng tại các quốc gia đang phát triển và tình hình chính trị bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.

Việc tăng sản lượng khai thác nội địa và lượng nhập khẩu ngày càng ít là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Mỹ.
Theo IHS, sự kiện bùng nổ khai thác dầu khí tại Mỹ sẽ giúp duy trì 1,7 triệu việc làm, đồng thời tạo thêm công việc cho 1,3 triệu người trên khắp nước Mỹ cho tới cuối thập niên này. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, Mỹ cũng sẽ phải đối đầu với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước uống do áp dụng công nghệ mới - phân rã thủy lực.

Việc Mỹ có khả năng chiếm được ngôi vị nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới của Ả Rập Saudi còn phụ thuộc vào tình hình giá dầu và sản lượng khai thác của Ả Rập Saudi trong những năm tới. Hiện nay, Ả Rập Saudi vẫn giữ vị trí là quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khẳng định sản lượng khai thác của Ả Rập Saudi vẫn giữ mức ổn định trong khoảng thời gian từ nay cho tới năm 2017.
Theo IEA, trung bình giá một thùng dầu thô trên toàn cầu trong 5 năm tới sẽ xuống mức 89 USD so với 107 USD/thùng

(Nguồn tin: infonet.vn)