Khủng hoảng Biển Đỏ gây ra tình trạng thiếu tàu chở dầu
09:15 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Hai, 2024

Nhiều chủ sở hữu tàu chở dầu và nhiên liệu trên toàn cầu chọn cách tránh xa Biển Đỏ - tuyến đường vận tải huyết mạch giữa châu Á và Châu Âu.

Tàu chở dầu Torm Thor của Mỹ bị Houthi tấn công ngày 24/2. Ảnh: FleetMon
Tàu chở dầu Torm Thor của Mỹ bị Houthi tấn công ngày 24/2. Ảnh: FleetMon

Cuộc khủng hoảng vận chuyển đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy chi phí vận chuyển lên cao. Tuyến đường Biển Đỏ thường chiếm 15% tổng thương mại đường biển toàn cầu. Tuy nhiên, trong nỗ lực tránh bị Houthi nhắm đến, các tàu vận chuyển đã bị buộc phải rời khỏi Kênh đào Suez nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ và thay vào đó chọn đi đường vòng quanh mũi châu Phi. Những chuyến đi kéo dài 10-15 ngày hơn so với lịch trình thông thường khiến thương mại giữa châu Á và châu Âu trở nên tốn kém hơn, kèm theo những cảnh báo về tác động lạm phát sắp xảy ra ở châu Âu.

Giờ đây, một vấn đề khác nổi lên ảnh hưởng đến thương mại xăng dầu toàn cầu, đó là tình trạng thiếu tàu chở dầu.

Các tàu container thương mại là những tàu đầu tiên phản ứng trước nguy cơ bị Houthi tấn công và thừa nhận sự cần thiết phải chuyển đổi các tuyến đường thương mại. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng của Mỹ và Anh bắt đầu ném bom Yemen trong nỗ lực dập tắt các sự cố ở Biển Đỏ, nhiều chủ sở hữu tàu chở dầu và nhiên liệu trên toàn cầu cũng chọn cách tránh xa khu vực này.

Theo dữ liệu dịch vụ vận chuyển của Banchero Costa, thế giới sẽ cảm nhận rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu tàu chở dầu khi chỉ có hai siêu tàu chở dầu mới dự kiến gia nhập đội tàu cũ vào năm 2024.

Chỉ có 5 siêu tàu chở dầu mới dự kiến được giao vào năm 2025, một sự sụt giảm đáng chú ý so với 42 tàu gia nhập vào năm 2022.

Enrico Paglia, Giám đốc nghiên cứu tại Banchero Costa, cho biết: “Tình hình trên thị trường tàu chở dầu đang rất căng thẳng, đặc biệt là đối với tàu chở dầu thô”.

Phong trào Houthi, lực lượng kiểm soát phần lớn miền Bắc và miền Tây Yemen, tháng 11/2023 tuyên bố sẽ tấn công bất kỳ tàu nào liên quan đến Israel đi qua Biển Đỏ cho đến khi nước này dừng các hành động quân sự ở Dải Gaza. Điều này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập một hoạt động đa quốc gia nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đỏ. Các lực lượng của Mỹ và Anh sau đó đã tiến hành các cuộc tấn công lớn vào các vị trí của Houthi nhằm làm suy giảm khả năng nhắm mục tiêu của lực lượng này.

Cho đến nay, các phương pháp quân sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa giải quyết được triệt để cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đang diễn ra. Theo các báo cáo gần đây, ngay cả các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cũng ngày càng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cách tiếp cận vàđối phó của Washington đối với lực lượng Houthi.

Ngày 24/2, Houthi tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo chống hạm vào một tàu chở dầu ở Vịnh Aden. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ ngày 25/2 thông báo tên lửa đã rơi xuống mặt nước và không gây thiệt hại cho tàu chở hóa chất và sản phẩm dầu Torm Thor, được gắn cờ và thuộc sở hữu của một công ty Mỹ.

Vào tối ngày xảy ra vụ việc, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng đã bắn rơi 2 máy bay không người lái (UAV) trên Biển Đỏ. Trong một tuyên bố ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này và các đồng minh tiến hành các cuộc tấn công chống lại Houthi, đánh vào 18 mục tiêu quân sự.

Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Saree xác nhận một số tên lửa chống hạm đã bắn vào tàu Torm Thor của Mỹ ở Vịnh Aden.

Nguồn: