Thời hạn tạm dừng áp thuế quan cao hơn của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 9/7, trong khi một số đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Giá dầu thế giới đã giảm nhẹ trong phiên 3/7, khi giới đầu tư lo ngại rằng các chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, cùng lúc đó các nhà sản xuất dầu thô lớn dự kiến sẽ tăng cường nguồn cung.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 31 xu (0,45%) xuống 68,80 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 45 xu (0,67%) xuống 67 USD/thùng trong một phiên giao dịch tương đối trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ.
Áp lực chính lên thị trường đến từ chính sách thương mại của Mỹ. Thời hạn tạm dừng áp thuế quan cao hơn của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 9/7, trong khi một số đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Các nhà giao dịch dầu mỏ lo ngại về tác động tiêu cực của chính sách này đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu. Mặc dù thông tin về thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Mỹ và Việt Nam đã hỗ trợ giá dầu trong phiên trước đó, nhưng sự bất ổn chung về thuế quan vẫn là một mối lo lớn.
Một yếu tố khác cũng tác động đến thị trường là Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ nhất trí tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày tại cuộc họp chính sách vào cuối tuần này.
Một khảo sát từ khu vực tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 9 tháng vào tháng 6/2025, do nhu cầu suy yếu và các đơn hàng xuất khẩu mới sụt giảm.
Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy dự trữ dầu trong nước bất ngờ tăng 3,8 triệu thùng lên 419 triệu thùng trong tuần trước. Con số này trái ngược hoàn toàn với dự báo của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters là sẽ giảm 1,8 triệu thùng.
Báo cáo từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã cắt giảm 7 giàn khoan dầu, đưa tổng số giàn khoan đang hoạt động xuống còn 425 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Số lượng giàn khoan là một chỉ báo cho sản lượng trong tương lai.
Dữ liệu việc làm của Mỹ trong tháng 6/2026 được công bố ngày 3/7 cho thấy sự tăng trưởng vững chắc, nhưng gần 50% mức tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đến từ khu vực công. Tăng trưởng của khu vực tư nhân đã chậm lại đáng kể do các ngành như sản xuất và bán lẻ phải vật lộn với chính sách thuế quan của ông Trump.
Ông David Laut, Giám đốc Đầu tư tại Abound Financial, nhận định báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến cho thấy sức chống chịu mà nền kinh tế đã thể hiện trong những tháng qua vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì quan điểm "chờ xem" đối với chính sách lãi suất.
TIN KHÁC
Indonesia và Arab Saudi ký thỏa thuận đầu tư trị giá 27 tỷ USD(04/07/2025)
Giá dầu thế giới tăng vọt 3% phiên 2/7(03/07/2025)
Trung Quốc bất ngờ tăng nhập dầu Iran: Tính toán chiến lược giữa vùng xoáy Trung Đông(02/07/2025)
Giá dầu tăng nhờ tín hiệu nhu cầu tích cực(02/07/2025)
Giá dầu thế giới ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp(01/07/2025)