Giá dầu thế giới tuần qua tăng mạnh sau cuộc họp của OPEC+
11:43 CH @ Chủ Nhật - 10 Tháng Mười, 2021

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI của Mỹ và dầu Brent đã tăng lần lượt 4,6% và 4,9%. Đây là tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp của dầu WTI còn dầu Brent là tuần tăng giá thứ 5.

Một cơ sở lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thế giới tuần qua đã tăng mạnh sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) quyết định duy trì lộ trình tăng sản lượng như kế hoạch cũ bất chấp nhu cầu dầu mỏ thế giới đang ngày càng lớn.

Ngày 4/10, OPEC+ tiến hành họp trực tuyến để quyết định liệu có tăng sản lượng dầu hay không để giúp "hạ nhiệt" giá nhiên liệu này. Tổ chức này đối mặt với áp lực tăng sản lượng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc đang "leo thang".

Tuy nhiên, OPEC+ xác nhận họ sẽ tuân theo chính sách sản lượng hiện tại, tức là tăng dần sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022.

Chuyên gia John Kilduff, đối tác của công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC ở New York (Mỹ) cho biết dựa trên bức tranh nhu cầu và kết quả của cuộc họp OPEC+, tâm lý chung trên thị trường là tin tưởng “vàng đen” sẽ còn tăng giá.

Trong hai phiên đầu tuần (4-5/10), giá dầu liên tiếp tăng mạnh, với giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã có lúc tăng lên 79,48 USD/thùng - mức cao nhất trong gần 7 năm, còn giá dầu Brent Biển Bắc chạm mức cao của ba năm là 83,13 USD/thùng.

Tuy nhiên, sang đến phiên 6/10, giá dầu thế giới giảm gần 2% do lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng lên đã khiến nhiều người mua quyết định chốt lời sau những phiên tăng mạnh gần đây.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược dự đoán giảm 418.000 thùng. Lượng xăng dự trữ cũng tăng, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất chỉ giảm nhẹ.

Giá dầu thế giới tăng trở lại trong phiên 7/10, khi thị trường cho rằng Mỹ sẽ không bán dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp hay cấm xuất khẩu để xoa dịu nguồn cung thắt chặt. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết chính phủ sẽ xét mọi phương án để giải quyết tình trạng nguồn cung năng lượng thắt chặt trên thị trường.

Đà tăng giá “vàng đen” tiếp tục kéo dài sang phiên cuối tuần (8/10). Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,05 USD, hay 1,3%, lên 79,35 USD/thùng, và giá dầu Brent tiến thêm 44 xu Mỹ, hay 0,5% lên 82,39 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI của Mỹ và dầu Brent đã tăng lần lượt 4,6% và 4,9%. Đây là tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp của dầu WTI còn dầu Brent là tuần tăng giá thứ 5.

Theo Marshall Steeves, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng của công ty dịch vụ thông tin IHS Markit (Vương quốc Anh), tâm lý tích cực bao trùm thị trường sau khi quan chức trong chính phủ của Tổng thống Joe Biden cho biết họ không có ý định giải phóng dầu trong Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR), hay xem xét ban hành một lệnh cấm xuất khẩu để kiềm chế giá dầu thô vào lúc này.

Hôm 7/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này có thể xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên kỷ lục sang châu Âu trong năm nay giữa bối cảnh châu lục này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Giá xăng tiếp tục giảm vào ngày 7/10, sau phát biểu của ông và mức giá thấp hơn có thể đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ ít động lực hơn để chuyển sang dầu.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Marshall Steeves nhận xét, giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 vào phiên 5/10 khi lượng khí đốt dự trữ của châu Âu đứng ở mức thấp kỷ lục. Do đó, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu chuyển sang sử dụng dầu. Cả dầu thô và khí đốt đều đang khan hiếm và tốc độ tăng sản lượng có thể không đủ để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu.

Giải thích rõ hơn lý do vì sao giá dầu Mỹ giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2014, James Williams - nhà kinh tế tại công ty tư vấn về năng lượng WTRG Economics (Mỹ), cho biết nguyên nhân đầu tiên là quyết định không nới rộng mức tăng sản lượng dầu của OPEC+ bởi tổ chức này lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lần thứ tư có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu.

Lý do thứ hai là nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt hơn phần còn lại của thế giới, với mức tiêu thụ dầu mỏ của nước này hiện đã trở lại mức trước đại dịch. Và thứ ba là tăng trưởng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ chưa phục hồi đủ nhanh để trở lại mức năm 2019 do đầu tư vào các giếng dầu mới chậm hơn.

Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank (Đức), cho biết với nhu cầu mạnh mẽ hiện tại cộng với chính sách sản lượng của OPEC+, thị trường dầu mỏ sẽ vẫn thắt chặt cho đến cuối năm.

Do đó, Commerzbank đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý IV/2021 lên 85 USD/thùng so với dự báo trước đó là 75 USD/thùng và nâng ước tính giá dầu quý I/2022 từ 70 USD lên 75 USD/thùng./.

Nguồn: