Dầu Brent tăng 11%, giá xăng dầu chứng kiến tuần tăng cao nhất hơn 1 năm
11:00 CH @ Chủ Nhật - 29 Tháng Tám, 2021

Hiệu ứng kép nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan và nguồn cung dầu có nguy cơ bị gián đoạn kéo dài hơn dự kiến khiên giá dầu thô đi lên, kéo theo giá xăng dầu hôm nay ghi nhận tuần giao dịch tăng cao nhất kể từ tháng 6/2020.

Khép lại tuần giao dịch, giá dầu ngày 29/8 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 68,67 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 72,67 USD/thùng.

Ảnh minh họa.

Tính chung trong tuần, giá dầu Brent đã tăng 11% và giá dầu WTI đã tăng 10% trong tuần giao dịch từ ngày 23/8. Được được ghi nhận là mức tăng cao nhất trong tuần kể từ tháng 6/2020.

Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 19.891 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 21.131 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.667 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 14.762 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.055 đồng/kg.

Giới phân tích nhìn nhận, trong tuần giao dịch từ ngày 23/8, giá dầu thô duy trì đà tăng khá ổn định nhờ các dữ liệu kinh tế tích cực được phát đi từ các nền kinh tế lớn và thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh.

Ngay phiên giao dịch đầu tuần, sau 7 phiên giao dịch giảm giá liên tiếp, giá dầu ngày 23/8 đã quay đầu đi lên nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được cải thiện sau những nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ, Trung Quốc và EU...

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 62,56 USD/thùng, tăng 0,42 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 65,72 USD/thùng, tăng 0,54 USD/thùng trong phiên.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục được mở rộng trong phiên giao dịch sau đó khi đồng USD mất đà phục hồi.

Hiệu ứng kép đá đẩy giá xăng dầu ghi nhận tuần tăng cao nhất kể từ tháng 6/2020 (Ảnh minh họa).

Đầu giờ sáng ngày 24/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 65,46 USD/thùng, giảm 0,18 USD/thùng trong phiên. Nhưng nếu so với cùng thời điểm ngày 23/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã tăng tới 2,9 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 68,66 USD/thùng, giảm 0,09 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,94 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 23/8.

Sau sự cố nổ giàn khoan tại Vịnh Mexico, lo ngại nguồn cung dầu thô tiếp tục tạo cú hích giúp giá dầu ngày 25/8 giữ vững đà tăng. Tuy nhiên, thị trường cũng bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu khó khăn khi một loạt các dữ liệu kinh tế của Mỹ không như kỳ vọng, điều này đã khiến giá dầu ngày 26/8 quay đầu giảm mạnh.

Cụ thể, Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Mỹ trong tháng 8 đã giảm xuống 61,2 điểm, thấp hơn so với 63,4 điểm của tháng 7 và thấp hơn con số dự báo là 62,4 điểm; Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của doanh nghiệp cũng giảm xuống còn 55,2 điểm, thấp hơn nhiều so với chỉ số 59,9 điểm của tháng 7 và con số dự báo là 59,1 điểm.

Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn tỏ ra khá lạc quan khi các chỉ số trên đều cho thấy, nền kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì đà phục hồi tốt. Bởi từ những thông tin được phát đi trong phiên giao dịch cuối tuần, tâm lý lạc quan đó là hoàn toàn có cơ sở.

Theo các số liệu được công bố, số đơn đặt hàng đối với các nhà máy lâu năm của Mỹ chỉ giảm 0,1% trong tháng 7, thấp hơn khá nhiều mức dự báo giảm 0,3%. Doanh số bán nhà mới cũng tăng 1%, lên 708.000 căn trong tháng 7. Chỉ số hàng hoá lâu bền cốt lõi, không gồm lĩnh vực vận tải biến đông, cũng tăng 0,7% trong tháng 7, vượt xa mức kỳ vọng 0,5%.

Động lực phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ được gia tăng mạnh mẽ khi các gói tài chính, ngân sách trị giá hàng nghìn tỷ USD, đặc biệt là gói ngân sách 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng do Hạ viện Mỹ thông qua, được triển khai.

Còn theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trung bình của nước này trong 4 tuần của Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, đạt mức gần 21 triệu thùng/ngày. Dữ trữ dầu thô của Mỹ cũng được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020 khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng lên 92,4% kể từ cuối tháng 6/2021. Các dữ liệu vừa được công bố cho thấy, trong tuần trước, tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm xuống 432,6 triệu thùng, giảm 3 triệu thùng và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.

Giá dầu hôm nay còn ghi nhận giá dầu thô được hỗ trợ mạnh bởi lo ngại nguồn cung dầu từ Vịnh Mexico bị gián đoạn khi các công ty năng lượng ngừng khai thác, thực hiện việc di tản trước dự báo có một cơn bão mạnh với tên gọi Ida xuất hiện tại khu vực vào cuối tuần.

Trong diễn biến mới nhất, do tác động của bão Ida, theo nhà chức trách Mỹ, các công ty dầu mỏ hoạt động tại Vịnh Mexico đã tạm "đóng cửa" 59% sản lượng dầu và 49% sản lượng khí đốt tự nhiên. Mức sản lượng bị sụt giảm được ghi nhận là hơn 1,6 triệu thùng dầu.

Với những diễn biến được ghi nhận trong phiên giao dịch cuối tuần, và đặc biệt là mức độ tàn phá, ảnh hưởng của bão Ida được nhận định sẽ lớn hơn nhiều mức dự báo, giá dầu tuần tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng.

Nguồn: