Các nước xuất khẩu dầu vùng vịnh đối đầu với Iran
09:07 SA @ Thứ Năm - 27 Tháng Mười Hai, 2012

Cuộc họp thượng đỉnh hai ngày của Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) tại Manama (Bahrain) đã bế mạc ngày 25-12-2012 với thông cáo chung yêu cầu Iran - đối thủ chính - chấm dứt điều mà GCC gọi là can thiệp vào khu vực.


Bế mạc cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) tại Manama (Bahrain) 

Iran từ lâu không được nhiều nước Ảrập Hồi giáo trong khu vực tin tưởng. Nhưng nước này luôn bác bỏ những cáo buộc đang tìm cách phá hoại Ảrập Saudi và các nước láng giềng.

GCC được thành lập vào tháng 5-1981 gồm sáu nước Ảrập vùng vịnh là Ảrập Saudi, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Liên hiệp Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất UAE (Jordan và Ma-rốc cũng đã được mời tham gia). GCC có số dân chỉ hơn 40 triệu người, nhưng giàu có với GDP năm 2012 ước đạt 1.386 tỷ USD và có GDP bình quân đầu người 33.000 USD (bằng 56% của Mỹ).

Sáu nước xuất khẩu dầu lửa này có tầm ảnh hưởng lớn cả với thế giới nói chung lẫn thế giới Ảrập Hồi giáo nói riêng. Họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn năng lượng toàn cầu (chiếm một nửa trữ lượng dầu của thế giới), cung cấp những khoản viện trợ quốc tế khổng lồ, có tiềm lực đầu tư mạnh mẽ (dự kiến vào năm 2020 sẽ nắm giữ tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới 3.500 tỷ USD). Khu vực này là một trung tâm thương mại hàng đầu phục vụ cho Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á.

Trong thông cáo chung do Tổng thư ký GCC Abdulatif al-Zayani đọc, GCC nói rằng: “Hội đồng nhấn mạnh sự bác bỏ và lên án đối với việc Iran tiếp tục can thiệp vào các vấn đề của các nước GCC và kêu gọi Iran chấm dứt các chính sách này”. Thông cáo chung không mô tả chi tiết những hành động của Iran, nhưng trước nay Bahrain vẫn liên tục tố cáo Tehran đang can thiệp vào nền chính trị nội bộ của nước này. Giới bình luận quốc tế nói rằng Iran luôn coi vùng vịnh là sân sau của mình và tin rằng nó có quyền lợi hợp pháp trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở đó.

GCC cũng thúc giục cộng đồng quốc tế có ngay hành động ngăn chặn những vụ thảm sát hàng loạt và vi phạm luật quốc tế ở Syria. Kuwait cho biết cuối tháng 1-2013 sẽ đăng cai một hội nghị các nhà đóng góp nhân đạo quốc tế cho Syria. Từ lâu, các nhà lãnh đạo GCC vẫn kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad của Syria từ chức, và hồi tháng 11-2012 đã công nhận liên minh đối lập mới thành lập là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria.


TheoCATP