Bức tranh dầu mỏ 6 tháng cuối năm 2021 sẽ như thế nào?
07:08 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Bảy, 2021

Ngày 18/7, các Bộ trưởng của OPEC+ đã đồng ý tăng nguồn cung dầu từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2021 thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng tăng thêm 400.000 thùng/ngày để hạ nhiệt giá dầu, vốn đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2019 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo như đánh giá của một số tổ chức như Citigroup, Goldman Sachs, ANZ, thỏa thuận trên sẽ giúp trấn an thị trường rằng OPEC+ sẽ không tan rã cũng như không tăng mạnh sản lượng quá sớm, góp phần hỗ trợ giá dầu.

OPEC+ cũng nhất trí kéo dài thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như kế hoạch trước đó để có thêm dư địa điều chỉnh trong trường hợp đà phục hồi kinh tế thế giới bị đình trệ do các biến thể virus SARS-CoV-2 mới. Thỏa thuận này cũng sẽ nâng mức sản lượng cơ sở của Saudi Arabia, UAE, Iraq, Kuwait và Nga từ tháng 5/2022. Dựa vào mức sản lượng cơ sở, các quốc gia sẽ xác định mức nâng sản lượng của mình.

Bên cạnh đó, OPEC+ sẽ điều chỉnh chính sách của mình nếu và khi dầu Iran quay trở lại thị trường, trong trường hợp nước này đạt được thỏa thuận với các cường quốc trên thế giới về chương trình hạt nhân của mình.

Tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày và sẽ khôi phục dần nguồn cung cho đến tháng 4/2022. Quyết định này đã cho thấy hiệu quả, theo đó đẩy giá dầu tăng hơn 50% kể từ đầu năm nay.

Theo một số phân tích, với mức tăng sản lượng lần này có thể khiến giá dầu giảm trong ngắn hạn nhưng xét cho cùng cung vẫn không đủ cầu nếu đại dịch COVID-19 không chuyển biến quá xấu buộc các nền kinh tế lớn phải lockdown trở lại.

Mặc dù bức tranh thị trường dầu mỏ 6 tháng cuối năm dường như đã sáng sủa hơn sau thỏa thuận lần này của OPEC+ nhưng từ đây đến cuối năm vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro như sau:

1. Đại dịch COVID-19

Đây là biến số ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường dầu mỏ các tháng cuối năm và thậm chí cả năm 2022. Nếu số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh ở Mỹ, châu Âu gây ra lo ngại về đà hồi phục kinh tế, có thể đẩy giá dầu giảm xuống dưới 65 USD/thùng.

Hiện tại, cả thế giới đang quan sát nước Anh sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để mở cửa nền kinh tế từ ngày 19/7 sẽ như thế nào, mặc dù con số lây nhiễm COVID-19 hằng ngày vẫn cao thứ 3 thế giới.

Hầu hết dân số trưởng thành ở Anh hiện đã được tiêm vaccine. Nếu vaccine tiếp tục chứng tỏ hiệu quả trong việc giảm bệnh nặng và tử vong ngay cả khi số ca lây nhiễm đạt mức kỷ lục thì quyết định của Thủ tướng Boris Johnson có thể là gợi ý cho các quốc gia được tiêm chủng cao khác về cách tiếp cận trở lại trạng thái bình thường mới.

Tại Mỹ, số ca bệnh và nhập viện vì nhiễm biến thể Delta được dự đoán sẽ tăng nhanh vào đầu tháng 8/2021. Hầu hết số ca bệnh nhập viện trở nặng hiện tại là số không chịu/chưa tiêm vaccine.

Do đó nếu Anh và Mỹ gặp rắc rối về số ca bệnh mới, buộc phải lockdown trở lại thì đà hồi phục kinh tế thế giới sẽ chững lại và giá dầu mỏ sẽ suy giảm.

2. Tốc độ hồi phục kinh tế thế giới

Tiến trình thúc đẩy triển khai vaccine trên quy mô lớn và việc thực thi các gói kích thích kinh tế, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và EU đã giúp kinh tế các nước này phục hồi mạnh, thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, sau Quý I/2021 tăng trưởng mạnh mẽ, đến Quý II/2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế dường như chững lại.

Theo số liệu chính thức từ Cục thống kê quốc gia của Trung Quốc (NBS), GDP Quý II/2021 chỉ đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại đáng kể so với mức 18,3% trong Quý I/2021 và cũng giảm so với dự báo 8%.

Tại Mỹ, tính đến tháng 6/2021, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 7,3%, đây là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 11/2010. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,9% so với tháng trước và 5,4% so với cùng kỳ, tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 13 năm. Nếu không tính lương thực và năng lượng, CPI lõi tăng 4,5%, cũng là mức tăng nhanh nhất trong gần 30 năm. Mặc dù FED thông báo vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua lãi suất nhưng hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng sớm muộn gì FED cũng sẽ phải thắt chặt chính sách khi lạm phát đang có dấu hiệu tăng dần. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá dầu.

3. Địa chính trị

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và một số yếu tố khác, thế giới trở nên “yên bình” hơn so với các năm trước đó. Năm 2021, một số điểm “nhạy cảm” cố hữu đã bắt đầu được hâm nóng lại và sẽ ảnh hưởng đến giá dầu nếu bộc phát mạnh.

Từ tháng 4/2021, Mỹ và Iran bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, các bên vẫn còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm cùng với Iran có Tổng thống mới với quan điểm khá cứng rắn trong chính sách ngoại giao nên kết quả đàm phán vẫn chưa tiến triển nhiều.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Israel và các nước Hồi giáo ở Trung Đông cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Hơn thế nữa, từ ngày 11/9/2021, Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan, việc này sẽ dẫn đến các nguy cơ về an ninh cho các quốc gia láng giềng và có thể tác động dây chuyền đến tận biên giới nước Nga cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.