Ảnh hưởng của tình hình tại Afghanistan, giá dầu thế giới giảm phiên thứ 5 liên tiếp
02:41 SA @ Thứ Năm - 19 Tháng Tám, 2021

Giá dầu thế giới đi xuống phiên thứ 5 liên tiếp ngày 18/8, do ảnh hưởng của tình hình tại Afghanistan trong khi giới đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Giá dầu thế giới đi xuống phiên thứ 5 liên tiếp. Ảnh: Reuters

Giá dầu thế giới đi xuống phiên thứ 5 liên tiếp trong ngày 18/8, do ảnh hưởng của tình hình tại Afghanistan trong khi giới đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng giữa lúc số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng cao. Còn nguồn cung năng lượng gia tăng do các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nâng cao sản lượng.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,13 USD (1,7%), xuống 65,46 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 80 xu Mỹ (1,2%), xuống 68,23 USD/thùng. Như vậy, giá dầu này đã “sụt” khoảng 11% trong 13 phiên giao dịch gần đây tính tới cuối tháng 7/2021.

Giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều chịu áp lực giảm trong vài tuần qua do sự gia tăng số ca mắc COVID-19 gây ra bởi biến thể trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã tái áp đặt các hạn chế đi lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/8 thông báo sẽ giữ lại các khoản tài chính mà tổ chức này dành cho Afghanistan trong bối cảnh chưa có thông tin chắc chắn về bộ máy lãnh đạo mới ở Kabul. Theo thông báo, Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tài chính của IMF, bao gồm một quyết định phân bổ mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Trong khi đó, biên bản cuộc họp chính sách ngày 27-28/7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy giới chức Mỹ đang lưu ý rằng, sự lan rộng của biến thể Delta có thể tạm thời trì hoãn việc mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế và kìm hãm thị trường việc làm của nước này.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, xuống 435,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020. Tuy nhiên, các kho dự trữ xăng của nước này tăng khiêm tốn hơn và các sản phẩm xăng cung cấp cho thị trường Mỹ- thước đo nhu cầu nhiên liệu – đạt mức 9,5 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1% so với mức tương ứng của năm 2019.

Nhu cầu nhiên liệu của Mỹ đã tăng đều đặn trong năm nay, với mức trung bình trong bốn tuần là 20,8 triệu thùng/ngày, tương đương với mức trước đại dịch năm 2019.

Mặc dù số liệu về hoạt động sản xuất hàng tuần dầu mỏ có nhiều biến động, các nhà phân tích lưu ý rằng sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng ổn định, đạt 11,4 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Điều này diễn ra giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng với các nước liên minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+ đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong vài tháng tới, bù lại một phần sản lượng mà nhóm này đã cắt giảm kể từ đầu năm 2020.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho biết, nhu cầu dầu thô dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm hơn trong thời gian còn lại của năm 2021 do số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến với sự xuất hiện của biến thể Delta./.

Nguồn: