Bức tranh dầu thô 2014
02:24 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Giêng, 2014
Theo số liệu thống kê, năm 2013 nguồn cung cấp dầu thô toàn thế giới đạt mức 89,93 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức trung bình 89,74 triệu thùng/ngày. Sang năm 2014, mức tiêu thụ được dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 1,2%, lên 90,78 triệu thùng/ngày.

Cung cầu dầu thô thế giới và dự báo 2014

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương), giá dầu Brent tiếp tục yếu, ở mức trung bình 107USD/thùng trong tháng 11/2013 và dự báo sẽ rơi xuống 102USD/thùng trong năm 2014. Còn đối với dầu WTI có giá trung bình 101USD/thùng trong tháng 11/2013 và rơi xuống 96USD/thùng vào năm tới.

Hiện nay, nguồn dầu thô từ OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) được ước tính chiếm 33,4% thị phần trong nguồn cung toàn cầu. Tổng sản lượng dầu thô của OPEC đạt trung bình khoảng 30 triệu thùng/ngày. Nguồn cung dầu của các nước không thuộc OPEC được dự kiến sẽ tăng lên 54,06 triệu thùng/ngày năm 2014.

Các nước châu Mỹ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số tất cả các khu vực không thuộc OPEC trong năm 2013, tiếp theo là châu Phi và Mỹ Latinh, trong khi OECD châu Âu và Trung Đông được dự đoán là khu vực có sự sụt giảm nguồn cung mạnh nhất.



Nguồn cung của OECD tăng trong năm 2013 do tăng trưởng của các nước OECD châu Mỹ bù cho sự sụt giảm của OECD châu Âu và OECD Châu Á - Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, Canada, Nam Sudan và Sudan, Nga và Colombia được dự kiến là những nước chính mang lại sự tăng trưởng nguồn cung năm 2013, trong khi Syria, Anh, Na Uy và Australia sụt giảm mạnh nhất.

Sự thay đổi năng lực cung ứng năm 2013 chủ yếu do các khu vực OECD, phản ánh sự cải thiện trong các chỉ số kinh tế vĩ mô, cũng như việc chuyển sang sử dụng than và LNG thay thế cho nhiên liệu hóa thạch ở khu vực OECD Châu Á - Thái Bình Dương. Việc điều chỉnh giảm cũng xảy ra tại các khu vực không thuộc OECD là kết quả của những dấu hiệu kinh tế mờ nhạt, bổ sung thêm tác động giảm trợ cấp tại một số nước trong khu vực này.

Theo số liệu được công bố, nguồn cung của Nga dự kiến tăng 0,1 triệu thùng/ngày trong năm 2013 lên mức trung bình 10,47 triệu thùng/ngày năm 2014. Các giếng dầu ở phía đông Siberi đang hỗ trợ sản lượng mạnh cũng như các giếng phía tây Siberi thì ổn định. Chính phủ Nga đang hành động hướng tới cắt giảm thuế đối với các dự án lớn ngoài khơi, sẽ hỗ trợ sản lượng trong tương lai. Một cơ quan của chính phủ dự báo nguồn cung dầu của Nga sẽ vẫn tương đối ổn định trong ngắn hạn cũng như trong tương lai. Nguồn cung dầu của Trung Quốc được dự đoán tăng 50 nghìn thùng/ngày năm 2013 lên mức trung bình 4,21 triệu thùng/ngày năm 2014.

Tình hình tiêu thụ tại một số quốc gia

Tại OECD châu Mỹ, đặc biệt Hoa Kỳ, nhu cầu dầu thô những tháng cuối năm 2013 từ ổn định đến tăng mạnh. Doanh số bán xe ôtô cao, niềm tin tiêu dùng tương đối mạnh, một sự cải thiện trong số liệu việc làm và chỉ số PMI tăng, đà tăng tích cực trong nền kinh tế Hoa Kỳ là nguyên nhân chính kích thích tiêu dùng.

Năm 2013, tiêu thụ dầu tại 2 nước lớn châu Âu là Đức và Anh đều tăng. Trong đó tiêu thụ nhiên liệu máy bay tăng đáng kể do hoạt động đi lại bằng máy bay tăng khi niềm tin của thị trường kinh doanh và du lịch bằng máy bay được nâng lên do điều kiện kinh tế đang cải thiện tại châu Âu. Thị trường xe hơi của Anh vẫn vượt qua hầu hết các thị trường của châu Âu. Tiêu thụ dầu tại Đức cũng tăng, tuy nhiên mức độ ít hơn, hầu hết sự tăng trưởng do nhiên liệu giao thông và chạy nhà máy phát điện.

Tại Pháp và Italy, bức tranh này hoàn toàn trái ngược, cả hai quốc gia đều giảm tiêu thụ dầu. Các mục tiêu hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tại Pháp là giảm tiêu thụ năng lượng 50% vào năm 2050 và giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch 30% vào năm 2030. Pháp tiêu thụ khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, phần lớn trong số đó là dầu diesel cho giao thông.

Nhu cầu dầu tại Nhật Bản năm 2013 khoảng 4 triệu thùng/ngày, sụt giảm 0,21 triệu thùng/ngày so với năm 2012. Tại Hàn Quốc, tiêu thụ dầu tăng hơn 2% so với năm trước, dầu đốt, xăng và nhiên liệu máy bay đều tăng trưởng tích cực. Tại Ấn Độ, có xu hướng sụt giảm nhu cầu dầu do kinh tế khó khăn liên quan với sự giảm giá của đồng rupe, tuy vậy nhu cầu vẫn tăng với xăng, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác, đặc biệt là nhựa đường, bù đắp một phần cho nhu cầu giảm đối với sản phẩn chưng cất, dầu FO, naphtha và LPG. Thị trường Trung Quốc vẫn giữ mức tăng tiêu thụ xăng dầu trung bình trong 5 năm qua, năm nay chủ yếu tăng nhu cầu LPG và xăng máy bay.

Cung cầu của Việt Nam

Mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam hiện vào khoảng 36 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu khoảng 17 triệu tấn.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giá dầu mỏ biến động khó lường, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư năng lượng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, thăm dò và đầu tư phát triển các mỏ ở nước ngoài.

Bước sang năm 2014, trước những yêu cầu bức thiết của việc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiệm vụ đặt ra cho kế hoạch năm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam rất to lớn, cụ thể là gia tăng trữ lượng dầu khí 35-40 triệu tấn; khai thác dầu khí 26 triệu tấn (quy đổi); sản xuất điện 15,7 tỉ kWh; sản xuất đạm 1,58 triệu tấn; sản xuất xăng dầu các loại 4,8 triệu tấn.

Với trữ lượng dầu được công bố đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể xếp vào nhóm nước nghèo về tài nguyên dầu mỏ, thậm chí đến sau năm 2020 còn có thể xếp vào loại rất nghèo về tài nguyên dầu mỏ.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng sẽ tiến hành phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu, đảm bảo tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu mỏ đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), tương đương với 68 ngày nhu cầu. Hiện nay Việt Nam chưa có dự trữ dầu thô.

Ngành công nghiệp dầu mỏ phân chia "dầu thô” theo khu vực mà nó xuất phát (ví dụ "West Texas Intermediate" - WTI - còn gọi là dầu Bắc Mỹ) hay "Brent" - bao gồm 15 loại dầu mỏ từ các mỏ thuộc hệ thống mỏ Brent và Ninian trong khu vực lòng chảo Đông Shetland trên biển Bắc) thông thường theo tỷ trọng và độ nhớt tương đối của nó ("nhẹ”, "trung bình" hay "nặng"); các nhà hóa dầu còn nói đến chúng như là "ngọt", nếu nó chứa ít lưu huỳnh hoặc là "chua", nếu nó chứa đáng kể lưu huỳnh và phải mất nhiều công đoạn hơn để có thể sản xuất nó theo các thông số hiện hành.
Nguồn: