Công ty Xăng dầu Quốc gia khu vực châu Á: CNPC - Trung Quốc
02:44 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Tám, 2014
Logo của CNPC

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có tên tiếng Anh là China National Petroleum Corporation (CNPC) là Tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc và là công ty năng lượng hợp nhất lớn nhất Trung Hoa.

Trụ sở của tập đoàn tọa lạc tại quận Dongcheng, thủ đô Bắc Kinh.

CNPC là công ty mẹ của Tập đoàn PetroChina, nhà sản xuất và phân phối dầu khí lớn nhất Trung Hoa.

Lịch sử

CNPC được thành lập ngày 17/9/1988 với tiền thân là Bộ Công nghiệp dầu khí Trung Quốc, cơ quan được chính phủ nước này lập ra vào năm 1955 để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thăm dò và phát triển nguồn tài nguyên dầu khí tại Trung Quốc. Do đó, CNPC cũng là công ty nhà nước nhận được một số ưu đãi với nhất định từ phía chính phủ.

Ngày 27/7/1998, CNPC được tái cấu trúc để trở thành một đơn vị hợp nhất với các hoạt động kinh doanh bao trùm cả lĩnh vực dầu khí thượng nguồn và hạ nguồn, cũng như các dịch vụ về mỏ dầu và xây dựng kĩ thuật.

PetroChina được thành lập ngày 5/11/1999 theo Luật Doanh nghiệp và Các quy định đặc biệt về Chào bán và Niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Trong đó, CNPC đã chuyển cho PetroChina phần lớn các tài sản và nợ phải trả của mình liên quan đến thăm dò và sản xuất, lọc dầu và tiếp thị, kinh doanh hóa chất và khí tự nhiên. Tính đến cuối năm 2012, CNPC đã sở hữu hơn 86% cổ phần của PetroChina.

Trụ sở của CNPC tại Bắc Kinh (nguồn:Wikipedia)

Các hoạt động chính của CNPC

• Thăm dò và sản xuất dầu khí, lọc hóa dầu, vận hành các đường ống, tiếp thị và giao dịch các sản phẩm dầu mỏ.
• Phụ trách các dịch vụ khảo sát địa vật lý và khoan các giếng dầu
• Xây dựng đường ống dẫn dầu, nhà máy lọc dầu và hóa dầu
• Thực hiện các dịch vụ quản lý vốn, tài chính và bảo hiểm
• Phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí phi truyền thống, năng lượng sinh khối và các năng lượng tái tạo khác.

Hoạt động thượng nguồn

Năm 2013, sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt của CNPC lần lượt chiếm 54% và 75% tổng sản lượng khai thác của toàn Trung Quốc với mức sản lượng dầu quy đổi là 183,39 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2012, trong đó dầu thô chiếm 112,6 triệu tấn.

Theo báo cáo hàng năm của Tập đoàn, trong năm 2013 CNPC đã đạt được những thành tựu thăm dò quan trọng tại các khu vực Sichuan, Changqing, Ordos, Tarim, Junggar, Songliao và Bohai Bay. Trong đó, Changqing (Trường Thanh) và Tarim là hai khu vực sản xuất khí đốt tiềm năng nhất với sản lượng dầu quy đổi trong năm 2013 lần lượt đạt 34,68 và 22,28 tỉ mét khối.

Ở nước ngoài, CNPC tham gia vào các hợp đồng phân chia sản lượng trên bờ và ngoài khơi tại châu Phi, Trung Á – Nga, Nam Phi, Trung Đông, Mỹ Latin, và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sản lượng dầu quy đổi của các hợp đồng này trong năm 2013 vào khoảng 123,16 triệu tấn, trong đó nếu tính riêng cổ phần của CNPC đạt khoảng 59,2 triệu tấn.

Đối với nguồn năng lượng phi truyền thống, CNPC đã khoan 15 giếng khí đá phiến trong năm 2013 bao gồm 6 giếng khoan dọc và 10 giếng khoan ngang.

Tập đoàn cũng đã bắt đầu việc xây dựng một trục đường ống để sản xuất thử nghiệm tại lô Changning vào tháng 6 năm 2013. Đường ống dài 93,7 km này được thiết kế để vận chuyển 4,5 triệu mét khối khí đá phiến mỗi ngày. Dự kiến đường ống sẽ bắt đầu xuất khẩu khí đá phiến từ lô Weiyuan-Changning vào năm 2014.

Hoạt động hạ nguồn

Ngoài ra, CNPC cũng sở hữu và điều hành mạng lưới đường ống và các kho chứa phủ khắp 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị, trong đó có cả Hồng Kông. Mạng lưới đường ống của CNPC kéo dài khoảng 72,878 km, bao gồm 17,640 km vận chuyển dầu thô, 45,704 km phục vụ khí đốt, và 9,534 km vận chuyển các sản phẩm lọc dầu tại Trung Quốc chiếm lần lượt 70%, 80% và 47% thị phần tương ứng tại Trung Quốc. Ở nước ngoài, Tập đoàn cũng sở hữu một hệ thống đường ống dài 13,257 km (bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt).

Trong năm 2013, hàng loạt tuyến đường ống của CNPC đã được hoàn thành và đưa vào vận hành đúng kế hoạch, bao gồm đường ống dẫn khí Đông-Tây thứ ba, đường ống khí đốt Trung Vệ-Quý Dương, đường ống dẫn dầu thô Lan Châu - Thành Đô, đường ống dầu Nhật Chiếu-Đông Minh,…

CNPC cũng vận hành ổn định khá nhiều đường ống ở nước ngoài như tuyến Kazakhstan- Trung Quốc (dầu mỏ), Nga – Trung Quốc (dầu mỏ) và Trung Á – Trung Quốc (khí đốt).

Vận hành 26 nhà máy lọc dầu và các doanh nghiệp hóa dầu chủ yếu ở phía Đông Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, trong năm vừa qua, tại nội địa, CNPC đã xử lý 146 triệu tấn dầu thô, sản xuất gần 98 triệu tấn các sản phẩm lọc dầu. Sản lượng các sản phẩm lọc dầu và thị phần của CNPC tăng một cách ổn định, chiếm 40% thị phần nội địa.

Không chỉ có vậy, Tập đoàn này còn sở hữu và điều hành 9 nhà máy lọc dầu liên doanh nước ngoài tại nhiều nước, bao gồm Sudan, Kazakhstan, Algeria, Chad, and Niger.

Trong năm 2013, các kho khí đốt ngầm dưới lòng đất tại Jintan, Liuzhuang, Dagang và Hoa Bắc đã vận hành hiệu quả trong mùa cao điểm và cung cấp khí đốt trong các trường hợp khẩn cấp. Kho khí đốt Hutubi đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu khí đốt đỉnh điểm ở miền bắc Tân Cương và giúp ổn định nguồn cung cho mạng lưới đường ống khí đốt Đông Tây. Ngoài ra, kho khí đốt được xây dựng tại Xiangguosi và Suqiao đã bắt đầu nhận khí đốt để phục vụ nhu cầu tại thị trường Tây Nam và Bắc Trung Hoa.

Tính đến hết năm 2013, CNPC sở hữu và vận hành khoảng 20,272 trạm nhiên liệu dịch vụ tại 31 tỉnh thành trên khắp cả nước, phục vụ hơn 20 triệu khách hàng mỗi ngày với sản lượng bán hơn 10.000 tấn nhiên liệu mỗi ngày.

Không chỉ cung cấp đa dạng các sản phẩm như xăng, dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhờn tại các khu vực đô thị và nông thôn, dọc theo các trục đường chính và đường cao tốc, các trạm nhiên liệu này còn cung cấp các dịch vụ tiện lợi, hình thành một chuỗi các cửa hàng dịch vụ khắp Trung Quốc.

Ngoài ra, Tập đoàn CNPC còn cho lưu hành hệ thống thẻ nhiên liệu Kunlun với tổng số 49.47 triệu chiếc (tính đến hết năm 2013), với giao dịch nhiên liệu chiếm 35% tổng doanh số.

Trong những năm gần đây, CNPC đã khẳng định vị trí là một trong những nhà cung cấp/sản xuất các sản phẩm hóa dầu lớn nhất Trung Quốc với đầu ra đa dạng: nhựa tổng hợp, sợi tổng hợp, cao su tổng hợp, phân urê, sản phẩm hóa chất hữu cơ / vô cơ và nguyên liệu thô; phục vụ hầu hết các ngành công nghiệp: công nghiệp nhẹ, dệt may, ô tô, vật liệu xây dựng, điện tử, sản phẩm quân sự, du lịch, chế biến thực phẩm, dược phẩm và hóa chất.

Tháng 5 vừa qua, CNPC này đã ký kết thành công với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga một "thỏa thuận khí đốt lịch sử" trị giá 400 tỷ USD kéo dài trong vòng 30 năm. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua đường ống "Sức mạnh Siberia", đi qua Siberia tới vùng đông bắc Trung Quốc. Sau 10 năm thương thảo, đây được coi là thỏa thuận lớn nhất trong các thời kỳ của Liên Xô trước đây và Nga trong lĩnh vực khí đốt, đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác giữa hai nước Nga – Trung.

Nguồn: