Tạo hành lang pháp lý phát triển ngành dầu khí
03:41 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Mười Một, 2021

Với sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí 10 năm trở lại đây, nhiều chuyên gia có chung nhận định, các quy định trong Luật Dầu khí hiện hành không còn phù hợp; một số quy định chồng chéo với các văn bản pháp luật khác, đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp; tạo hàng lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của ngành dầu khí.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo.

Trình độ khoa học công nghệ của ngành dầu khí nói chung và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng đã tiệm cận tới trình độ của khu vực và thế giới. Để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát huy những thế mạnh đó cần phải có những hỗ trợ cho ngành dầu khí, thông qua các cơ chế, chính sách, đồng thời, phải có quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm. Theo đó, xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các luật khác để các nhà đầu tư tham gia các dự án dầu khí có thể yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án theo đúng quy định của Luật Dầu khí mà không gặp khó khăn, vướng mắc.

TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần cơ chế, chính sách trong việc trích lập dự phòng rủi ro

Sản lượng khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là trên 20 triệu tấn và tỷ lệ đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách nhà nước luôn ở mức 2 con số. Vì vậy, cần phải hướng đến việc giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện tại; phải có cơ chế, chính sách trong việc trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Bởi nếu không có tìm kiếm, thăm dò dầu khí thì không có tương lai phát triển cho ngành dầu khí. Ngoài ra, cần xem xét, rà soát các luật, quy định khác liên quan để tháo gỡ những xung đột với Luật Dầu khí.

TS. Lê Xuân Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương: Chú trọng nghiên cứu thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0

Trong quá trình phát triển, ngành dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ở trong nước, một số mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao, đang trong đà suy giảm sản lượng... Vì vậy, việc sửa đổi Luật Dầu khí phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập khuôn khổ pháp luật đồng bộ cho việc quản lý, triển khai dự án đầu tư dầu khí của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.

Đồng thời, quá trình sửa đổi Luật Dầu khí cần chú trọng nghiên cứu đến những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực của dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất các thiết bị năng lượng. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư, sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

TS. Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Tăng tính khả thi, hiệu quả của Luật Dầu khí

Việc sửa đổi Luật Dầu khí sẽ tạo hành lang pháp lý phát triển ngành dầu khí vững mạnh. Phát triển ngành dầu khí vững mạnh đồng nghĩa với sự hùng cường của quốc gia, dân tộc. Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí. Đối với các giai đoạn khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu hay liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên hầu như được điều chỉnh bởi luật khác. Trong văn bản dưới luật chưa có quy định cụ thể về các lĩnh vực phi dầu khí… Chính vì vậy, cần có hướng sửa đổi Luật Dầu khí nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi triển khai, thực hiện.

Nguồn: