Giảm thuế môi trường để giảm giá xăng E5, Bộ nói không hợp lý
02:57 SA @ Thứ Năm - 15 Tháng Ba, 2018

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, cho rằng giảm thuế môi trường với xăng E5 để giãn khoảng cách giá với xăng A95 là không phù hợp vì thuế TTĐB đã áp dụng trước đó.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính trao đổi với Zing.vn liên quan tới đề xuất giữ nguyên mức tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng khoáng A95 nhưng giảm thuế với xăng sinh học E5 của Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro).

Có phù hợp?

Theo đó, ông Thi cho rằng thuế bảo vệ môi trường đánh vào những sản phẩm mà khi sử dụng gây ô nhiễm cho môi trường. Với xăng dầu, mức thuế áp dụng cho các sản phẩm thực ra là đánh vào lượng xăng hóa thạch gây ô nhiễm có trong từng loại xăng.

"Đây không phải là thuế đánh vào xăng E5 hay A95 nói chung, mà là đánh vào phần xăng hóa thạch gây ô nhiễm theo tỷ lệ tương ứng. Xét theo điều này thì có giảm thuế với E5 được không?”, ông Thi nói.

Bộ Tài chính sẽ sớm có văn bản cụ thể trả lời đề xuất của Saigon Petro. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh bất kỳ đề xuất nào cũng phải hợp lý mới có thể áp dụng.

Nếu mục đích của đề xuất này là muốn giãn chênh lệch giá xăng E5 và A95 thì thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm điều này rồi. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 chỉ là 8%, E10 là 7% trong khi xăng khoáng A95 là 10%.

Vì vậy, việc đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 và A95 là không phù hợp và Bộ Tài chính sẽ có văn bản chính thức trả lời cho phía Saigon Petro.

Lãng phí 400 tỷ đồng/ tháng vì dùng A95?

Trước đó, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo dự thảo, mức tăng đối với xăng là 1.000 đồng/lít và 500 đồng/lít đối với dầu DO. Nếu được thông qua, mức thuế đối với xăng A95 là 4.000 đồng/lít, xăng E5 là 3.800 đồng/lít. Mức chênh lệch thuế giữa hai loại xăng là 200 đồng/lít.

Ngay sau đó, Saigon Petro đã có kiến nghị với Bộ Công thương và Bộ Tài chính cho rằng mức chênh lệch như vậy là quá thấp không khuyến khích sản xuất, cũng như sử dụng nhiên liệu E5 của người tiêu dùng. Trong khi xăng E5 được đánh giá là tác động tốt đến môi trường.

Saigon Petro đã đề xuất bên cạnh “tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng khoáng A95 từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít cũng cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít hoặc tính mức giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5, không tính thuế đối với xăng này theo tỷ lệ Ethanol như hiện nay”.

Theo doanh nghiệp, mục tiêu của đề xuất này nhằm tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 vào khoảng 2.000-2.500 đồng/lít để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Saigon Petro cũng cho biết cả nước đã đồng loạt bỏ kinh doanh xăng A92 từ đầu năm khiến sản lượng tiêu thụ E5 có tăng nhưng tỷ trọng vẫn còn rất thấp.

Cụ thể, qua tham khảo các đơn vị đầu mối phối trộn kinh doanh xăng dầu lớn, lượng xăng E5 bán ra chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là xăng A95. Trong khi trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65% thị phần.

Nếu tính theo số liệu về sản lượng xăng A92 tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước trung bình 500.000 m3/tháng. E5 hiện được tiêu thụ chỉ bằng một nửa lượng xăng A92, 50% còn lại chuyển sang dùng xăng A95. Mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và A95 hiện là 1.600 đồng/lít.

Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm, mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỷ đồng/tháng, do tâm lý người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng E5, nên nhiều loại động cơ xe máy chỉ cần dùng A92 hoặc E5, không cần thiết phải sử dụng xăng A95 giá cao.

Nguồn: