Giá xăng, dầu giảm liên tiếp chưa tác động tích cực đến doanh nghiệp
02:35 SA @ Thứ Tư - 18 Tháng Ba, 2020

VOV.VN - Giá xăng, dầu giảm sâu nhưng năng lực sản xuất kinh doanh cũng giảm vì dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải cân đối chi phí.

Từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện 5 kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu và điều đáng nói là cả 5 lần giá các mặt hàng này đều được điều chỉnh giảm liên tiếp. Gần đây nhất, trong kỳ điều hành giá xăng, dầu ngày 15/3, giá xăng E5RON92 giảm tới 2.290 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.750 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.353 đồng/kg.

Chưa thấy tác động rõ ràng

Tính chung sau 5 lần điều chỉnh tính từ đầu năm, giá xăng E5RON92 đã giảm tổng cộng 3.825 đồng/lít và giá xăng RON95-III giảm tới 4.178 đồng/lít. Đây được xem là tín hiệu khả quan, động thái tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm giảm mức tăng trưởng của nền kinh tế. Khi giá xăng dầu giảm, chi phí nhiên liệu đầu vào giảm được kì vọng sẽ hỗ trợ giảm chi phí cho nhiều ngành nghề khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp trong hơn 2 tháng qua, nhưng tác động của việc giảm giá xăng, dầu đến doanh nghiệp và thị trường không lớn. Một phần do diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp, mặt khác, nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm năng lực sản xuất do thiếu đơn hàng đã cho thấy sức ảnh hưởng của giá xăng, dầu giảm chưa thật sự rõ ràng.

lo chong choi voi dich covid-19, nhieu dn tho o voi gia xang dau giam sau hinh 1

Giá xăng, dầu giảm nhưng đơn hàng vận tải cũng giảm đang khiến nhiều DN chưa cân đối chi phí vào giá thành. (Ảnh minh họa: Petrolimex)

Ông Trần Minh Tây, Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoạt động lĩnh vực kinh doanh mặt hàng nông sản cho biết, toàn bộ các hợp đồng vận chuyển trái cây từ các tỉnh ĐBSCL ra Hà Nội bằng đường bộ từ đầu năm đến nay vẫn chưa được giảm giá cước, mặc dù doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị nhiều lần với doanh nghiệp vận tải.

“Những hợp đồng vận tải thường được hai bên kí kết theo thời hạn cả năm và căn cứ theo giá xăng dầu ở thời điểm kí kết. Tuy nhiên, hợp đồng vẫn có điều khoản giá cước phí vận chuyển sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo giá xăng, dầu. Nhận thấy giá xăng, dầu từ đầu năm đến nay đã giảm sâu và có kiến nghị, nhưng phía doanh nghiệp vận tải vẫn chỉ hứa xem xét mà đến nay vẫn lần lữa chưa chịu thực hiện giảm giá cước khiến hàng hóa khó giảm giá theo”, ông Tây nói.

Là doanh nghiệp thi công công trình giao thông, giá xăng, dầu có ảnh hưởng rất lớn đến các hợp đồng thi công dự án cầu, đường bởi đây là chi phí nhiên liệu được tính cho từng ca xe, máy hoạt động trên công trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV thiết kế, xây dựng công trình Long Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi giá xăng, dầu có thay đổi lớn trong quá trình thực hiện dự án, phần chênh lệch này sẽ được tính toán lại sau khi công trình được nghiệm thu và quyết toán với phía chủ đầu tư.

“Hợp đồng thi công đã bao gồm toàn bộ chi phí vật tư, nhiên liệu được tính với đơn giá cố định. Tuy nhiên, mức giá này sẽ được nhà thầu thi công cập nhật và tính bù trừ vào các hạng mục cụ thể, ở từng thời điểm giá vật tư, nguyên liệu thay đổi. Việc giá dầu tăng hay giảm chắc chắn sẽ làm thay đổi đơn giá xây dựng, nhưng mức giá thay đổi chính xác là bao nhiêu phải đến khi quyết toán mới thấy được”, ông Quảng cho biết.

Doanh nghiệp cũng có khó khăn riêng

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải có chung quan điểm, việc điều chỉnh giảm giá xăng, dầu sẽ có tác động nhất định đến các doanh nghiệp theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tác động ở mỗi lĩnh vực là khác nhau và cần có thời gian nhất định mới có thể đánh giá được cụ thể. Các doanh nghiệp vận tải hành khách cho rằng, giá vé, giá cước vận chuyển được điều chỉnh theo kế hoạch hàng quý, không thể điều chỉnh tức thời với chu kỳ điều chỉnh của giá xăng, dầu.

Anh Trần Văn Đa, lái xe du lịch hợp đồng cho chia sẻ: Thường giá cước vận chuyển hành khách/km được được tính thấp hơn các hãng vận tải lớn, nên khi giá xăng có tăng hay giảm thì giá cước/km vẫn không thay đổi. "Thời buổi khách hàng đặt xe ít, lại phải cạnh tranh lớn với các hãng xe công nghệ, mình cứ áp đúng theo giá xăng thì mất khách ngay", anh Đa lý giải.

lo chong choi voi dich covid-19, nhieu dn tho o voi gia xang dau giam sau hinh 2

Vận tải hành khách cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu.

Ở lĩnh vực logictics, chủ nhiều công ty vận tải cho biết, giá xăng dầu chỉ chiếm từ 30-40% trong chuỗi cung ứng dịch vụ logicstics, còn lại là các chi phí khác nên giá xăng, dầu có tăng hay giảm cũng chỉ tác động một phần tới hoạt động này. “Chi phí vận tải chỉ chiếm phần nhỏ trong chi phí sản xuất nên sẽ không có tác động nhiều tới doanh nghiệp”, bà Lê Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thương vận Bạch Dương (Hải Phòng) cho biết.

Tương tự, ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc Công ty giao nhận Thanh Tùng (Gia Lâm, Hà Nội) bày tỏ: “Khi giá xăng, dầu giảm, doanh nghiệp cũng muốn cân đối để giảm chi phí nhưng hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thiếu đơn hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cũng chưa có phương án giảm giá cước”.

Từ góc nhìn của nhà quản lý khi nhận định về giá xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, khi nguồn cung xăng dầu thế giới đang tăng nhanh sẽ đẩy dầu mỏ thế giới bước vào cuộc chiến giá. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ lại giảm mạnh, điển hình như Trung Quốc thông báo cắt giảm 20-25% nhu cầu nên sẽ càng đẩy giá dầu xuống thấp.

“Giá dầu giảm mạnh có lợi cho người dân và một phần cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc giá xăng dầu giảm lại trở nên khó khăn cho họ khi sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 40% so với bình thường. Lượng tồn kho xăng dầu khá lớn đã nhập trước đó ở mức giá cao đang tạo ra áp lực tài chính lên doanh nghiệp”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Ông Đông cũng thông tin thêm, hiện nhiều doanh nghiệp xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ vì đang bị lỗ vì xăng dầu tồn kho. Do đó, trong điều hành giá xăng dầu của cơ quan điều hành, vừa phải đảm bảo lợi ích chung cho người tiêu dùng nhưng cũng phải tính toán để đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu./.