Điều hành giá xăng, dầu: Cần phải quan tâm giảm thuế, phí
02:44 SA @ Thứ Tư - 16 Tháng Ba, 2022

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian qua, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã sử dụng rất tốt Quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng, dầu. Tuy nhiên, cần có các giải pháp, công cụ khác, nhất là vấn đề giảm thuế phí đối với xăng dầu.

Giá xăng dầu thế giới dự báo còn tăng

PV: Từ đầu năm tới nay, xăng, dầu đã tăng 6 lần liên tiếp. Điều này tác động như thế nào tới quá trình phục hồi của nền kinh tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Giá xăng, dầu từ đầu năm tới nay đã tăng rất mạnh, tạo áp lực rất lớn với nền kinh tế. Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng, dầu. Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng, dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng, dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng, dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng, dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng, dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng, dầu tới tăng trưởng kinh tế.

PV: Ông nhận định như thế nào về diễn biến giá xăng, dầu trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Bích Lâm:Giá xăng, dầu sẽ còn tăng cao do nhu cầu xăng, dầu tăng cao sau đại dịch. Trong khi trữ lượng không tăng bởi thời gian qua thế giới không đầu tư vào thượng nguồn để khai thác dầu mỏ, sản lượng khai thác gần như đang ở mức cao nhất. Chiến sự giữa Nga và Ukraina chỉ là yếu tố làm cho việc tăng giá này nhanh hơn.

40% trong giá xăng dầu là thuế phí: Cần giảm thuế phí

PV: Vậy theo ông, thời gian tới cơ quan quản lý Nhà nước cần cân nhắc cách điều hành giá xăng, dầu theo hướng nào?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Thời gian qua, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã sử dụng rất tốt Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để điều hành giá xăng, dầu. Nhưng trong bối cảnh giá xăng, dầu đang tăng cao, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu cũng có hạn thì nên chăng xem xét thêm các giải pháp, công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, để không tăng đột biến, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế. Hiện, 40% trong giá xăng dầu là thuế phí. Theo đó, để điều tiết mức tăng của giá xăng, dầu sao cho phù hợp, hợp lý cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, hiện thuế VAT giảm 2% cho hàng tiêu dùng, còn xăng, dầu thì không được. Điều đó cho thấy, chúng ta còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng, dầu, giá xăng, dầu vẫn tăng nhưng không tăng cao quá so với giá xăng, dầu thế giới. Tuy nhiên, giảm giá xăng, dầu sẽ giảm sức ép lạm phát nhưng giảm nhiều quá thì sẽ hụt thu ngân sách, do vậy điều chỉnh chính sách về thuế cần sự đánh giá, tính toán một cách toàn diện.

Cùng với đó, trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, lạm phát chuỗi cung ứng..., tôi cho rằng cách điều hành giá của chúng ta cũng cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Thời gian qua công tác điều hành giá đã làm tốt rồi, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Ban Chỉ đạo điều hành giá và các bộ ngành cần phải nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn, có các công cụ phân tích dự báo kịp thời, chính xác hơn để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, không bị phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế bên ngoài.

Đặc biệt với xăng dầu, ngoài quỹ bình ổn thì cơ bản vẫn là nguồn cung sao cho đầy đủ, đó là nguồn cung từ sản xuất trong nước, nhập khẩu và công tác dự trữ như thế nào, để khi cần có thể điều tiết cho nền kinh tế.

Giải pháp đã có, cần thực hiện sớm

PV: Giá xăng, dầu tăng cao gây áp lực rất lớn tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vậy, theo ông các chính sách giảm thuế, phí đối với xăng, dầu cần thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Giá xăng, dầu tăng mạnh liên tiếp đã kéo theo giá các mặt hàng có đầu vào là xăng, dầu tăng theo và nguy cơ lạm phát đang hiện hữu.

Chúng ta đã xây dựng chính sách giảm thuế đối với xăng, dầu, tuy nhiên trước những biến động khó lường, tình hình kinh tế diễn biến nhanh, công tác điều hành cần kịp thời, đúng thời điểm, linh hoạt và đúng liều lượng; khi đã đưa ra rồi thì khẩn trương thực hiện. Chúng ta thấy giải pháp được thực hiện muộn vẫn là giải pháp nhưng không còn tác dụng. Quy định giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu phải chờ tới tháng 4 mới áp dụng thì lúc đó doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp không còn trụ được trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng quá cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: