Cách tính giá xăng dầu mới sẽ sát thực tế hơn
01:57 SA @ Thứ Tư - 03 Tháng Mười Một, 2021

Nhiều ý kiến cho rằng nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và việc tính giá cơ sở xăng dầu sát với thực tế.

Sau thời gian dài xây dựng dự thảo, ngày 1-11, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu. Thời gian áp dụng từ ngày 2-1-2022.

Thay đổi công thức tính giá

Trong Nghị định 95, nội dung được người dân và doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu quan tâm nhất là quy định về cách tính giá cơ sở xăng dầu, là mức giá để nhà điều hành làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước.

Theo đó, công thức tính giá cơ sở sẽ gồm cả tỉ trọng nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy hóa dầu) và nguồn nhập khẩu. Như vậy, giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỉ lệ nguồn sản xuất trong nước, nhập khẩu.

Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm giá xăng dầu thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng...) và bổ sung cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.

Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác.

Riêng xăng sinh học được tính thêm tỉ lệ % theo thể tích xăng không chì, tỉ lệ % theo thể tích của ethanol được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỉ lệ nhất định.

Từ ngày 2-1-2022, hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ có nhiều quy định mới. Ảnh: PHI HÙNG

Chuẩn xác và phù hợp

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng việc thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu như trên là chuẩn xác, phù hợp với giá quốc tế hiện nay.

“Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu cũng theo cách tính này nhưng chủ yếu dựa trên cơ sở giá xăng dầu nhập khẩu là chính. Còn hiện tại bối cảnh đã khác khi trong nước đã cung cấp được 70% nguồn cung tiêu thụ xăng dầu trong nước nên cách tính cần phải dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn” - ông Thịnh nói.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng theo cách tính này đã tách được hai nguồn. Tuy nhiên, nguyên tắc tính giá cơ sở cơ bản không có thay đổi, phù hợp với tập quán mua bán xăng dầu trong khu vực và thế giới, phản ánh đúng thực tế hiện nay.

Cùng với thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, Nghị định 95 cũng thay đổi chu kỳ điều hành giá xăng dầu rút ngắn xuống 10 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

Nhiều ý kiến đánh giá quy định thời gian điều hành giá xăng dầu như vậy là phù hợp, thậm chí các chuyên gia còn cho rằng cần giảm xuống bảy ngày điều hành một lần để xăng dầu dần dần về đúng bản chất thị trường.

Kiểm soát chặt cổ phần kinh doanh xăng dầu

Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định 95 là đã quy định về chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thương nhân có hoạt động sản xuất xăng dầu nếu có nhu cầu chuyển nhượng thì phải được Thủ tướng cho phép. Nếu so với dự thảo, quy định này được xem là chặt hơn khi cho phép nhà đầu tư ngoại nắm cổ phần lên đến 35% nhưng nếu so với Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu thì đây là điểm mới.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng nên Bộ Công Thương đã có sự cân nhắc kỹ về thời điểm mở cửa phù hợp. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, một số lĩnh vực không cam kết mở cửa như xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà...

Sau 13 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và ký kết nhiều các hiệp định thương mại tự do với hầu hết nền kinh tế trọng yếu trên thế giới. Với lĩnh vực xăng dầu, sau thời gian bảo hộ, về cơ bản các DN kinh doanh xăng dầu trong nước đã tổ chức được hệ thống phân phối rộng khắp.

Các nhà đầu tư nước ngoài rất am hiểu và tuân thủ theo các quy định, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, trước đây do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỉ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên các DN trong nước cũng như các cơ quan quản lý nhà nước rất lúng túng trong quá trình thương thảo với họ.

Nguồn: