Sáng kiến tổ chức Diễn đàn “Tam nhập tái xuất” của Hiệp hội Xăng dầu Việt nam là ý tưởng đáng khích lệ và bổ ích đối với độc giả Việt nam trong việc tiếp nhận các thông tin đa chiều về cùng một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Với tư cách là người có đôi chút am hiểu pháp luật tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Sau khi “nghiên cứu” rất kỹ bài viết “Cái gọi là căn cứ pháp lý” của Hiệp hội xăng dầu Việt nam và xem xét lại toàn bộ các văn bản pháp lý có liên quan đến bài viết, tôi cho rằng đã đến lúc Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và thậm chí Ủy ban Kiểm tra của Đảng … phải vào cuộc vì sự việc đã vượt ra ngoài phạm vi giải quyết giữa một bên là Bộ Tài chính và một bên là Hiệp hội Xăng dầu Việt nam với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được qui định rất rõ trong Điều lệ của Hiệp hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt.
Là người có những kinh nghiệm nhất định liên quan đến những vụ việc “bất bình thường” mà các cơ quan quản lý Nhà nước đã từng hành xử với các doanh nghiệp trước đây, tôi xin đóng góp với Hiệp hội mấy ý kiến sau đây:
Quyết định truy thu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong gần một năm qua. Để giúp độc giả hiểu rõ thêm, chúng tôi xin cung cấp một cách đầy đủ cái gọi là “căn cứ pháp lý” của Bộ Tài chính về quyết định truy thu thuế này.
Sau khi Bộ Tài chính nêu lên những bất cập trong hoạt động tạm nhập- tái xuất, ngày 5/9/2012, Tổng cục Hải quan tiếp tục cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến tạm nhập tái xuất xăng của 13 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đến một số báo.