Năng lượng 6/11: Giá dầu giảm tuần thứ hai, dầu WTI về mức thấp nhất 2 tháng
06:50 SA @ Thứ Hai - 06 Tháng Mười Một, 2023

Với 4 trong tổng số 5 phiên giảm giá, dầu thô đã kết thúc tuần giao dịch 30/10 – 5/11 trong sắc đỏ, ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Dầu WTI đánh mất 5,88% giá trị xuống 80,51 USD/thùng, mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Dầu Brent đánh mất mốc 85 USD/thùng, sau khi giảm 4,83% trong tuần qua.

Tình hình nguồn cung có dấu hiệu cải thiện làm giảm bớt mối lo thâm hụt, đã gây sức ép tới giá dầu. Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế kém sắc của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 10 cũng góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Khảo sát của Reuters cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã sản xuất 27,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2023, tăng 180.000 thùng/ngày so với tháng 9/2023. Mức tăng chủ yếu đến từ Nigeria và Angola.

Trong đó, dữ liệu sơ bộ của Bộ Dầu mỏ Iraq cho thấy quốc gia này đã xuất khẩu 3,53 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3.

Nguồn cung dầu của Mỹ cũng có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu nước này đã phá vỡ kỷ lục trong tháng 8/2023, đạt mức 13,05 triệu thùng/ngày, tăng 0,7% so với tháng 7.

Sự gia tăng sản lượng của nhiều quốc gia trên thế giới đang bù đắp một phần khoảng trống mà Saudi Arabia và Nga để lại, làm giảm bớt lo ngại thâm hụt nguồn cung và gây sức ép tới giá dầu trong tuần.

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô không mấy khởi sắc cũng ảnh hưởng tới kỳ vọng tiêu thụ, làm gia tăng sức ép bán cho thị trường dầu.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc quay trở lại ngưỡng thu hẹp trong tháng 10, với chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đạt mức 49,5 điểm. Trong khi tại khu vực đồng tiên chung Châu u (Eurozone), tăng trưởng GDP quý III giảm 0,1% so với quý trước.

Đối với kinh tế Mỹ, tâm điểm hướng về báo cáo thị trường việc làm tháng 10. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, đạt mức 3,9%. Số người có việc ngoài ngành nông nghiệp chỉ tăng 150.000, mức tăng ít nhất kể từ tháng 1/2022.

Mặc dù vậy, về trung hạn, thị trường dầu vẫn đối diện với rủi ro thắt chặt nguồn cung và yếu tố địa chính trị. Vào Chủ nhật ngày 5/11, Saudi Arabia và Nga xác nhận tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện đến cuối năm nay do lo ngại về nhu cầu và tăng trưởng kinh tế đè nặng lên thị trường dầu thô.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu xuống đến vùng hỗ trợ 80,2 USD tới 3 lần nhưng chưa có dấu hiệu phá vỡ mốc quan trọng này.

Trên khung H4, giá vẫn đang di chuyển trên kênh giảm, nhưng lực cản ở vùng 80,2 USD mạnh mẽ đã đưa giá tăng trở lại. RSI bắt đầu tính phân kỳ, có thể là 1 tín hiệu đảo chiếu của giá và rất có thể giá sẽ kiểm tra đường EMA50, tức là vùng 82,7 – 83 USD trong phiên hôm nay.

Trên khung H1, ở vùng này cũng xuất hiện mô hình nến Bullish Engulfing. Do đó, các nhà đầu tư có thể mua ở vùng 81 USD và chốt lời sát ngưỡng 83 USD. Lưu ý cắt lỗ vùng 79,8 USD. Việc giá rơi xuống dưới mốc này sẽ đẩy giá trước hết về 78,8 USD.

Nguồn: