Năng lượng 31/10: Yếu tố địa chính trị và nhu cầu hạ nhiệt, giá dầu giảm hơn 3%
02:35 SA @ Thứ Ba - 31 Tháng Mười, 2023

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 30/10, giá dầu hạ hơn 3% do hành động quân sự của Israel tại Gaza thận trọng hơn làm giảm mối lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng ở Trung Đông, đe dọa nguồn cung dầu từ khu vực.

Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch mức tăng của phiên hôm trước khi giảm 3,78% xuống 82,31 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 3 tuần. Giá dầu Brent giảm 3,35% xuống 87,45 USD/thùng.

Lực bán tháo gia tăng mạnh mẽ từ đầu phiên khi các chuyên gia quân sự cho biết lực lượng Israel đang di chuyển chậm trong cuộc tấn công trên bộ ở Gaza, nhằm để ngỏ khả năng đàm phán với nhóm phiến quân Hamas về việc thả tự do cho hơn 200 con tin. Căng căng thẳng địa chính trị tạm thời lắng xuống đã gây sức ép lên giá dầu.

Về yếu tố nhu cầu, S&P Global Commodity Insights dự báo thông lượng dầu thô của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong tháng 10, so với mức cao kỷ lục 15,54 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Nguyên nhân là do các nhà máy lọc dầu giảm công suất hoạt động, bên cạnh hạn ngạch nhập khẩu hạn chế.

Trong khi đó, công suất trung bình của 50 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà nước trong tháng 10 được S&P Global theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng với 83%, tương đương 8,84 triệu thùng dầu/ngày. Điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, gây áp lực lên giá dầu.

Nhu cầu tại khu vực châu Á cũng đang có dấu hiệu suy yếu dần khi Saudi Arabia dự kiến sẽ giữ nguyên giá xuất khẩu dầu thô Arab nhẹ trong tháng 12 lần đầu tiên sau 6 tháng liên tục tăng, theo khảo sát của Bloomberg. Điều này xuất phát từ việc lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu suy yếu trên toàn khu vực, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa vật chất.

Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris cho biết nhu cầu dầu của Đức dự kiến sẽ giảm khoảng 90.000 thùng/ngày trong năm 2023, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự sụt giảm mạnh về nhu cầu dầu diesel và naphtha. Nhu cầu tiêu thụ tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy yếu cũng sẽ là lực cản đối với đà tăng của giá dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu có xu hướng giằng co trong khoảng giao dịch 82,5 – 85,5 USD. Giá đang được hỗ trợ tại Fibo 0,382. Hai đường %D và %K của Stoch RSI có xu hướng cắt lên. Trên khung H4, động lực tăng của giá có xu hướng đi lên khi RSI bắt đầu phân kỳ dương. Đà giảm của giá có dấu hiệu bị chững lại với phiên trước đóng nến spinning top rút chân từ Fibo 0,382. Nhiều khả năng giá dầu có thể phục hồi từ nền giá 82 – 82,5 USD, hướng đến ngưỡng kháng cự 84,5 – 85 USD trong phiên hôm nay.

Nguồn: