Năng lượng 1/11: Giá dầu tiếp tục hạ nhiệt, đứt chuỗi tăng 4 tháng
01:52 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Mười Một, 2023

Khép lại ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10, giá dầu tiếp tục gặp áp lực khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung toàn cầu giảm bớt. Trong khi đó, tăng trưởng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) yếu kém cũng làm dấy lên lo ngại về năng lực tiêu thụ, thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Giá dầu WTI chốt phiên ngày 31/10 giảm 1,57% xuống 81,02 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,54% xuống còn 85,02 USD/thùng. Như vậy, dầu thô đã ghi nhận tháng giảm giá đầu tiên sau 4 tháng tăng liên tiếp. Hiện tại, giá đang ở vùng thấp nhất kể từ 6/10.

Khảo sát của Reuters cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bơm 27,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2023, tăng 180.000 thùng/ngày so với tháng 9/2023. Mức tăng chủ yếu đến từ Nigeria và Angola, làm hạn chế tác động từ việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Nguồn cung dầu cũng có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ tại Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu Mỹ đã phá vỡ kỷ lục trong tháng 8/2023, đạt mức 13,05 triệu thùng/ngày, tăng 0,7% so với tháng 7. Mức cao nhất được ghi nhận trước đó là vào tháng 11/2019, đạt 13 triệu thùng/ngày.

Sự gia tăng sản lượng của nhiều quốc gia đang bù đắp khoảng trống Saudi Arabia để lại, làm giảm bớt lo ngại thâm hụt nguồn cung và gây sức ép tới giá dầu.

Cũng tạo áp lực lên giá, dữ liệu kinh tế yếu tại Eurozone và Trung Quốc cho thấy đà tăng trưởng yếu có thể làm hạn chế mức tiêu thụ năng lượng. Sau khi bất ngờ mở rộng trong tháng 9, hoạt động sản xuất của Trung Quốc quay trở lại ngưỡng thu hẹp trong tháng 10. Chỉ số PMI sản xuất đạt 49,5 điểm, thấp hơn so với dự báo và mức 50,2 trong tháng 9.

Tăng trưởng GDP quý III của Eurozone cũng giảm 0,1% so với quý trước. Trong khi đó, GDP Quý III/2023 của Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng 0,1%. Dữ liệu từ Eurozone và EU đều thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm sẽ giữ giá dầu thô ở mức dưới 90 USD/thùng trong năm nay và năm tới, trừ khi xung đột Israel-Hamas thu hút thêm nhiều quốc gia ở Trung Đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/10, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm khá mạnh, nên giá dầu có thể phục hồi nhẹ trong phiên sáng.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu phá vỡ đường trendline tăng, vùng hỗ trợ 83 USD, kiểm tra lại đường trendline và đã rơi xuống các mục tiêu thấp hơn. Mức kỳ vọng tiếp theo sẽ là vùng hỗ trợ 80,2 USD, cũng là vùng Fibo 0,5.

Khung H4 cho thấy giá vẫn đang di chuyển nửa dưới của dải Bollinger Band, dưới đường EMA50 với động lực bán có thể vẫn còn. Giá có thể sẽ test lại vùng 82,5 USD.

Nguồn: