Bản tin MXV Năng lượng 28/04: Giá dầu thô tăng nhẹ khi lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga đè nặng lên tâm lý thị trường
02:45 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Tư, 2022

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, khi lo ngại về nguồn cung sụt giảm tiếp tục là yếu tố chính dẫn dắt thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0,31% lên 102,02 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,33% lên 104,95 USD/thùng.


Bất chấp đà phục hồi khi thị trường mở cửa, dầu thô chuyển sang xu hướng giằng co quanh vùng tham chiếu trong phần lớn phiên sáng. Một mặt, các biện pháp kiểm soát dịch của Trung Quốc đang đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này, với sự giảm tốc trong cả hoạt động sản xuất lẫn hoạt động xây dựng. Mặt khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình đã lên tiếng cam kết đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế. Theo số liệu từ Bloomberg, các chính quyền địa phương đã cam kết tăng đầu tư công khoảng 2.300 tỷ USD trong năm 2022, cao gấp đôi so với gói cơ sở hạ tầng mà Mỹ thông qua năm ngoái. Tuy vậy, sự thành công trong việc áp dụng chính sách đẩy mạnh đầu tư công chỉ có thể được đảm bảo nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, mở đường cho các hoạt động thi công gia tăng.

Tuy vậy, lực mua có phần vượt trội hơn vào cuối phiên, khi việc Nga tạm thời cắt đứt sản lượng khí chuyển đến Ba Lan và Bulgaria và đòi hỏi các khách hàng thanh toán bằng đồng Rúp. Thị trường đang chờ đợi các động thái tiếp theo của EU, cũng như các khách hàng chính, như Đức và Italy, trước các đòi hỏi từ Nga. Nếu các nước này không tìm ra cách để đáp ứng yêu cầu của Nga, có khả năng thực sự EU sẽ bị cắt đứt nguồn cung năng lượng. Điều này sẽ đẩy giá các mặt hàng trong nhóm đồng loạt tăng, do EU sẽ phải tăng giá thu mua để có được nguồn cung thay thế.

Báo cáo tối qua của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho dầu thương mại chỉ tăng 700.000 thùng trong tuần kết thúc 22/04, thấp hơn nhiều so với số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API về mức tăng 4,8 triệu thùng. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tiếp tục xu hướng giảm. Hoạt động xuất khẩu vẫn đang được đẩy mạnh, khi các đối tác dần tìm cách cắt giảm tỷ trọng dầu nhập khẩu từ Nga. Theo nguồn tin của Reuters, tập đoàn Shell của Anh cho biết họ sẽ không chấp nhận dầu tinh luyện pha trộn với các sản phẩm của Nga. Trong khi đó, Exxon Mobil cho biết họ đã tuyên bố bất khả kháng đối với các hoạt động của dự án sản xuất dầu khí Sakhalin-1 ở vùng viễn đông nước Nga.

Tuy vậy, đà tăng của dầu phần nào bị hạn chế, khi Dollar Index có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm, làm gia tăng chi phí nắm giữ một hợp đồng dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, MACD và RSI đã chuyển sang đi ngang, trong khi Bollinger Bands vẫn đang thu hẹp bất chấp 2 phiên tăng liên tiếp gần đây. Giá WTI kỳ hạn tháng 06/2022 liên tục gặp áp lực tại vùng kháng cự 103 USD/thùng trong khi nhận hỗ trợ tại vùng 100 USD/thùng. Hiện tại, không có nhiều động lực để thoát khỏi vùng giá này. Có thể canh bán khi giá điều chỉnh lên vùng 102,5 USD/thùng hoặc canh mua khi giá ở vùng 99,5-100 USD/thùng, và kỳ vọng chốt lời 1-1,5 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: