Bản tin MXV Năng lượng 21/12: Đà tăng của giá dầu bị hạn chế sau báo cáo tình trạng nhiên liệu Mỹ
09:33 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Mười Hai, 2023

Kết thúc ngày giao dịch 20/12, giá dầu diễn biến giằng co và chốt phiên tăng nhẹ. Lo ngại về sự gián đoạn thương mại toàn cầu tại Biển Đỏ vẫn đang là chất xúc tác chính thúc đẩy lực mua. Ngoài ra, áp lực lạm phát tại các nền kinh tế lớn hạ nhiệt củng cố kịch bản lãi suất đã đạt đỉnh, cũng góp phần hỗ trợ giá.

Chốt phiên, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp với mức tăng 0,38% lên 74,22 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,59% lên 79,70 USD/thùng.

Lực lượng Houthi đã bắt đầu gây nhiều thiệt hại cho thương mại toàn cầu và buộc Mỹ triển khai một chiến dịch đa quốc gia để bảo vệ thương mại tại Biển Đỏ. Hy Lạp cũng đã khuyến cáo các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden tránh vùng biển của Yemen. Các chủ tàu Hy Lạp kiểm soát khoảng 20% ​​số tàu thương mại trên thế giới xét về năng suất.

Về yếu tố vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 11 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 của Đức giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo giảm 7,5%. Lạm phát hạ nhiệt mạnh mẽ tại Anh và Đức củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu  u (ECB) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Áp lực lãi suất giảm bớt làm gia tăng triển vọng lạc quan về nhu cầu, thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô.

Hơn nữa, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ củng cố kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 12 của Mỹ do Conference Board khảo sát bất ngờ tăng mạnh lên mức 110,7 điểm, từ mức bị điều chỉnh giảm xuống 101 điểm trong tháng 11.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế ngay sau báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng mạnh 2,9 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 15/12, cao hơn nhiều so với mức 939.000 thùng theo số liệu của API và trái ngược với ước tính giảm 2,3 triệu thùng của thị trường.

Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 2,71 triệu thùng và 1,48 triệu thùng. Đáng chú ý, sản lượng dầu của Mỹ đã thiết lập mức đỉnh mới với 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, góp phần xoa dịu áp lực thâm hụt trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, gây áp lực cho giá dầu về cuối phiên.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Biến động giá vẫn tuân theo kênh giảm ngắn hạn. Áp lực bán gia tăng mạnh mẽ khi giá tiến đến cạnh trên của kênh. Phiên trước đóng nến spinning top cho thấy lực bán đang dần cân bằng với lực mua. Giá tăng, nhưng thanh khoản giao dịch có chiều hướng giảm dần, cho thấy động lực tăng của giá đang dần suy yếu. Hai đường %D và %K của Stoch RSI có dấu hiệu cắt xuống từ vùng quá mua. Trên khung 4H, mẫu hình nến bearish engulfing hình thành, trong khi Stoch RSI phân kỳ âm, có thể xác nhận tín hiệu đảo chiều ngắn hạn của giá.

Dự báo giá dầu có thể điều chỉnh giảm về hỗ trợ 71,5 – 72 USD. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán tại cạnh trên của kênh giảm ở vùng giá 74 – 74,5 USD. Lưu ý cắt lỗ nếu giá vượt 75,3 USD. Việc vượt qua ngưỡng này sẽ đẩy giá tiến đến mục tiêu tiếp theo tại 76 – 76,5 USD. 


Nguồn: