Bản tin MXV Năng lượng 21/09: Giá dầu giảm sau khi Fed phát tín hiệu còn một đợt tăng lãi suất
02:41 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Chín, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, giá dầu tiếp tục nối dài đà giảm sang ngày thứ 2 sau khi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tín hiệu về một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Điều đó làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế Mỹ, gây sức ép tới giá dầu. Thêm vào đó, tồn kho Mỹ giảm ít hơn dự kiến cũng đã thúc đẩy các hành động đóng vị thế và chốt lời từ các nhà đầu tư.

Giá dầu WTI giảm 0,91%, đánh mất mốc 90 USD/thùng và chốt phiên tại mức giá 89,66 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,86% xuống mức 93,53 USD/thùng.

Tâm điểm thị trường hướng về quyết định lãi suất của Fed trong ngày hôm qua. Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp này, ở mức 5,25% – 5,5%. Tuy nhiên, Fed cảnh báo chi phí đi vay có thể sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, sau một lần tăng nữa trong năm nay.

Biểu đồ Dot-plot thống kê ý kiến của các quan chức Fed cho thấy có tới 12 trong tổng số 19 quan chức Fed trong buổi họp ủng hộ việc lãi suất sẽ kết thúc ở mức 5,5% - 5,75% trong năm 2023, tương đương với 1 đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức "sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu thích hợp và sẽ giữ vững chính sách thắt chặt tiền tệ đến khi tin tưởng lạm phát hạ nhiệt bền vững xuống vùng mục tiêu 2%”.

Đồng USD đảo ngược đà giảm, tăng mạnh sau cuộc họp. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, đạt mức 4,4%. Điều này đã làm tăng chi phí mua và đầu tư dầu thô, kéo giá giảm ngay sau cuộc họp.

Ngoài ra, yếu tố cung cầu cũng có tác động gây sức ép nhẹ tới giá sau một giai đoạn liên tục tăng cao. Theo Iraq Oil Report, sản lượng dầu thô của Iraq tăng mạnh trong tháng 8 do các mỏ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) gia tăng sản lượng, đạt trung bình 4,71 triệu thùng/ngày. Con số này tăng từ mức 4,56 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Thêm vào đó, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/9 giảm 2,1 triệu thùng, thấp hơn dự báo từ thị trường và báo cáo giảm 5,2 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ (API).
Nhập khẩu dầu Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày trong tuần trước, khi nguồn cung trong nước duy trì mức cao 12,9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu thế giới đối với dầu thô Mỹ tiếp tục tăng gần 2 triệu thùng/ngày, cho thấy tình trạng nguồn cung khan hiếm đã thúc đẩy hoạt động mua dầu từ Mỹ.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm hơn 4% do lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giảm. Nguyên nhân là do nhà máy xuất khẩu Cove Point ở Mayland tạm thời đóng cửa bảo trì. Thời tiết được dự báo cũng sẽ ôn hoà hơn trong 2 tuần tới, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và gây sức ép tới giá.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Trên khung D1, sau khi xuất hiện nến hammer ngược trong phiên ngày 19/9, thì ngày hôm qua 20/9 cũng đã xuất hiện nến xác nhận giảm đóng cửa dưới mức kết phiên của phiên trước đó. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp giảm điều chỉnh tiếp diễn trong phiên hôm nay.

Trên khung H4, giá dầu rơi xuống sát cạnh dưới dải Bollinger band và ở phía dưới đường SMA của dải, đang ở vùng hỗ trợ 89 USD cũng là đường hỗ trợ EMA 50. Việc phá vỡ vùng hỗ trợ này sẽ đẩy giá về vùng 87,5 – 87,8 USD. Nhà đầu tư có thể quan sát nếu giá phá vỡ vùng này có thể mở lệnh bán và kỳ vọng chốt lời ở vùng mục tiêu nêu trên. Chú ý dừng lỗ khi giá quay đầu tăng trên 90 USD.

Nguồn: