Bản tin MXV Năng lượng 21/06: Triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc bị hạ thấp, giá dầu gặp sức ép
03:12 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Sáu, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/06, lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường dầu thô, đã đưa giá dầu WTI đóng cửa trong sắc đỏ với mức giá 71,19 USD/thùng sau khi giảm 1,03%. Giá dầu Brent giảm 0,25% xuống mức 75,9 USD/thùng. Thị trường vẫn lo ngại các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc là chưa đủ. Điều này khiến bức tranh tiêu thụ dầu còn nhiều hạn chế và gây sức ép tới giá dầu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,55% từ mức 3,65%; trong khi LPR kỳ hạn 5 năm (áp dụng đối với các khoản vay đầu tư dài hạn như vay mua nhà, các khoản thế chấp) hạ xuống còn 4,2% từ mức 4,3%.

Mức cắt giảm LPR 5 năm thêm 10 điểm cơ bản thấp hơn kỳ vọng cắt giảm 15 điểm cơ bản của thị trường. Động thái hỗ trợ kinh tế còn thận trọng tại Trung Quốc đã không thể tạo động lực bứt phá cho giá dầu.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã cắt giảm dự báo về nhu cầu dầu của quốc gia này trong năm nay, trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch yếu hơn kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, CNPC dự kiến mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ tăng 3,5% lên 740 triệu tấn trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,1% trong sự báo hồi tháng 3 đầu năm.

Theo chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn công nghiệp FGE, các hãng hàng không dự kiến sẽ sử dụng ít hơn 700.000 thùng dầu/ngày vào năm 2023 so với năm 2019, chủ yếu do các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc bị hạn chế.

Báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trước đó cũng cho biết các chuyến bay đường dài liên quan đến Trung Quốc hiện tại vẫn chưa trở lại thời điểm trước đại dịch, vào năm 2019.

Thêm vào tâm lý bi quan của thị trường, các thương nhân lưu ý nguồn cung dầu thô từ Iran và Nga đã tăng lên trong những tuần gần đây. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga mặc dù giảm nhẹ 40,000 thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 18/06 so với tuần trước đó, nhưng vẫn ổn định ở mức cao với 3,52 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển.

Như vậy, dòng chảy xuất khẩu trung bình hiện đã giảm 212.000 thùng/ngày so với mức đỉnh đạt được trong khoảng thời gian tính đến ngày 21/05/2023 nhưng vẫn cao hơn 250.000 thùng/ngày so với mức trung bình tính đến ngày 26/02/2023.

Các bằng chứng chưa cho thấy Nga thực hiện cam kết cắt giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày như cam kết. Điều này đã làm giảm bớt sức cạnh tranh đối với dầu thô Mỹ, và gây áp lực tới giá dầu trong phiên.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá dầu rơi xuống dưới cạnh giữa dải Bollinger Band khung H4, nhưng rút chân khi chạm đường trendline, nhiều khả năng sẽ di chuyển trong mô hình tam giác. Hỗ trợ của giá dầu trong phiên hôm nay sẽ là vùng 70,6 – 70,8 USD, và giá dầu có thế test lại vùng giá này trước khi tiếp tục đà tăng. Nhà đầu tư có thể canh mua ở vùng giá trên với kỳ vọng chốt lời 72 – 72,2 USD/ Cắt lỗ 69,9 USD.

Nguồn: