Bản tin MXV Năng lượng 16/09: Giá dầu xuống mức thấp nhất trong tuần trước một loạt thông tin tiêu cực
01:32 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Chín, 2022

Dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, khi Nhà Trắng trì hoãn kế hoạch mua dầu bổ sung vào kho dự trữ, cũng như triển vọng tiêu cực của kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3,82% xuống 85,1 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,46% xuống 90,84 USD/thùng.

Mức giảm mạnh ngày hôm qua kéo giá dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần. Giá dầu bắt đầu suy yếu sau khi chạm dải giữa Bollinger Bands vùng 89 USD/thùng. Sau đó, một loạt các thông tin tiêu cực trong phiên đã kéo giá dầu thô nói riêng và năng lượng nói chung xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần.

Cuộc đình công của các công nhân đường sắt tại Mỹ chấm dứt sau 20 giờ đồng hồ thương thảo giúp cho nước Mỹ tránh được sự gián đoạn về tuyến đường vận chuyển nhiên liệu và thực phẩm. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết kế hoạch mua lại dầu để bổ sung vào kho dự trữ sẽ chỉ tiến hành sớm nhất là vào năm 2023. Bên cạnh đấy, Trung Quốc cũng đang cân nhắc tăng cường xuất khẩu nhiên liệu, đặt ra câu hỏi nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế của quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới sẽ suy yếu đến mức độ nào. Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ chứng kiến mức giảm lần đầu tiên trong vòng hơn 3 thập kỷ. Như vậy, rủi ro nguồn cung được giảm bớt, trong khi nhu cầu lại giảm, khiến cho giá dầu chịu sức ép lớn.

Bước vào phiên tối, một loạt các chỉ số tiêu cực của kinh tế Mỹ cũng gây áp lực cho thị trường chung. Doanh số bán lẻ lõi, đo lường doanh thu các hoàng hóa của Mỹ, ngoại trừ ô tô, bất ngờ giảm 0,3% trong tháng 8, trong khi thị trường kỳ vọng mức tăng 0,1%. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm 0,2% so với tháng 7. Như vậy, có thể thấy cả tiêu dùng lẫn sản xuất của Mỹ đều đã suy yếu, và điều này có thể gây áp lực đến với kinh tế Mỹ trong các tháng cuối năm. Đặc biệt khi Fed được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, thì sự suy yếu khả năng cao sẽ còn tiếp tục.

Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng cho biết rủi ro đang gia tăng trong cuối năm và có thể đẩy nhiều nước rơi vào suy thoái trong năm 2023, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để xác định xem liệu có xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là lạm phát duy trì ở mức cao, vấn đề chuỗi cung ứng chưa được giải quyết và sự thắt chặt của thị trường tài chính.

Sáng ngày hôm nay, thị trường sẽ chờ đợi các số liệu mới về nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm đầu tư vào tài sản cố định và sản xuất công nghiệp. Với số đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã liên tục giảm trong các tháng gần đây, kết hợp với sức ép nợ trong thị trường nội địa gia tăng, khả năng cao các số liệu sẽ không tích cực, và tiếp tục gây sức ép cho giá dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Trên biểu đồ ngày, giá dầu một lần nữa rơi khỏi hỗ trợ mạnh, và hiện tại trên biểu đồ ngày các chỉ số RSI và MACD đều hướng xuống, cho thấy xác suất giá tiếp tục giảm tương đối cao. Kết hợp với các thông tin cơ bản đang thiên về các yếu tố “bearish”, các nhà đầu tư nên canh bán tại vùng 85,2 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời tại vùng 83,6 USD/thùng.

Nguồn: