Bản tin MXV Năng lượng 16/05: Thị trường dầu vẫn đang nằm trong khoảng giao dịch đi ngang kể từ giữa tháng 3 tới nay
07:24 SA @ Thứ Hai - 16 Tháng Năm, 2022

Giá hai mặt hàng dầu thô WTI và Brent đóng cửa trái chiều với các mức thay đổi không đáng kể trong tuần trước và tiếp tục duy trì các khoảng giao dịch đi ngang đã kéo dài từ giữa tháng 3 tới nay. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 tăng 0,66% lên 110,49 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tháng 7 giảm 0,75% xuống còn 111,55 USD/thùng. Trên biểu đồ giá trong vòng 2 tháng qua, giá dầu WTI chủ yếu giao dịch trong khoảng 94 – 115 USD/thùng, dầu Brent trong khoảng 98 – 118 USD/thùng.

Xét một cách tổng thể, thị trường năng lượng nói chung và dầu thô nói riêng đang đón nhận nhiều thông tin cơ bản mới mỗi ngày. Tuy nhiên, các tin tức này có xu hướng trái chiều nhau và chủ yếu củng cố 2 yếu tố rất rõ ràng, đó là nhu cầu sụt giảm trong khi nguồn cung vẫn ở mức thắt chặt. Vì thế, các tin tức chỉ có tác động đến thị trường trong ngắn hạn, hoặc thậm chí chỉ tác động nhất thời trong các phiên giao dịch. Còn khi đặt vào bức tranh lớn của thị trường, hai yếu tố cung cầu này khá cân bằng, khiến giá vẫn chỉ ở trong xu hướng đi ngang và khó có sự bứt phá rõ ràng.

Trong tuần vừa qua, 3 báo cáo quan trọng của 3 tổ chức năng lượng uy tín nhất thế giới hiện nay đều giảm các dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra mức giảm từ 101.73 triệu thùng/ngày xuống 101.55 triệu thùng/ngày do nhu cầu giảm tại cả Mỹ và Trung Quốc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lần lượt cắt giảm dự báo nhu cầu đi 70,000 thùng/ngày và 310,000 thùng/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là các mức giảm không lớn và đã nằm trong dự báo khi Trung Quốc liên tục phong tỏa các thành phố lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong thời gian tới, và sẽ là yếu tố “bearish” nhất đối với giá dầu trong trung và dài hạn.

Tại Mỹ, giá xăng RBOB tăng mạnh gần 5% trong phiên thứ sáu tuần trước, đã khiến tỷ suất lợi nhuận lọc dầu tại Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, thời điểm giá hợp đồng dầu WTI tương lai giảm xuống mức âm. Ghi nhận của hãng tin Reuters cho thấy giá xăng và dầu diesel tại các trạm bơm tại Mỹ đã lên mức cao kỷ lục, 4,43 USD/gallon với xăng và 5,56 USD/gallon đối với dầu diesel. Giá xăng đã tăng mạnh sau các số liệu từ EIA cho thấy tồn kho xăng tại Mỹ đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp và ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay.

Trong khi đó, số giàn khoan dầu khí của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/05 cũng tiếp tục tăng thêm 6 và đây cũng đã là tuần tăng thứ 8 liên tiếp. Sản lượng gia tăng là yếu tố tiềm ẩn có thể sẽ gây sức ép lên giá dầu WTI trong thời gian tới.

Đối với các thông tin xoay quanh việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, vẫn chưa có tin tức mới nào đủ sức nặng đối với thị trường. Các tuyên bố của nhóm G7 hay liên minh châu Âu EU vẫn chỉ dừng ở mức “cảnh báo” và “đe dọa”, chứ chưa thể hiện thực hóa thành các hành động chung của các quốc gia. Các lệnh cấm nhập khẩu như của tập đoàn Eneos Holdings của Nhật Bản không phải là thông tin có thể tác động mạnh lên giá dầu.

Tuần này sẽ không có các báo cáo đặc biệt, nên các tin tức xoay quanh triển vọng phát triển kinh tế vĩ mô, cũng như sức mạnh của đồng Dollar Mỹ có thể sẽ tác động lớn tới xu hướng giá. Chỉ số Dollar Index hiện đang ở vùng cao nhất trong vòng 20 năm qua, khi nhiều chuyên gia cho rằng việc FED tăng mạnh lãi suất trong năm nay tuy giúp giảm lạm phát tại Mỹ nhưng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Khi đó, đồng Dollar Mỹ sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn và có thể sẽ còn tiếp tục mạnh lên, tác động “bearish” đối với thị trường hàng hóa, trong đó có dầu thô.


Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Mặc dù giá có kênh xu hướng tăng trên biểu đồ ngày (Daily), nhưng độ dốc quá nhỏ và không kết hợp với các tín hiệu tăng rõ ràng của các chỉ báo quan, nên giá sẽ có có thể tạo ra sự bứt phá về xu hướng trong tuần này. Nếu tăng, giá dầu WTI tháng 6 (CLM) sẽ chỉ có thể tăng tối đa lên vùng 115 USD/thùng, nhưng xác suất xảy ra điều này cũng không quá 60%. Chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ quay trở lại khoảng giao dịch đi ngang trong 2 tháng qua và sẽ giao dịch quanh vùng 105 – 108 USD/thùng trong phần lớn thời gian giao dịch tuần này. Vì thế, khuyến nghị chờ bán ở 112 USD với mục tiêu chốt lời 4 – 5 USD sau 2 – 3 ngày.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: