Bản tin MXV Năng lượng 13/05: Thị trường dầu giằng co giữa một loạt yếu tố bất ổn bộc lộ trong các báo cáo thị trường tháng 5
03:09 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Năm, 2022

Dầu thô kết thúc trái chiều trong phiên hôm qua, khi thị trường giằng co giữa lo ngại về nhu cầu suy yếu và khả năng EU tiến hành cấm vận nhập khẩu dầu của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0,4% lên 106,13 USD/thùng trong khi giá Brent giảm rất nhẹ 0,06% xuống 107,45 USD/thùng.

Trong 2 báo cáo thị trường tháng quan trọng ngày hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và OPEC đồng loạt cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới, với con số lần lượt là 70.000 thùng/ngày và 310.000 thùng/ngày. Chênh lệch lớn giữa số liệu điều chỉnh giữa 2 báo cáo chủ yếu đến từ việc IEA đã liên tục cắt giảm dự báo nhu cầu dầu từ các tháng trước.

Mặc dù số liệu IEA chỉ điều chỉnh nhẹ, nhưng điều đáng chú ý là IEA hiện tại đã thay đổi quan điểm về cân bằng cung – cầu của thị trường trong năm 2022. IEA vẫn thấy rằng sản lượng dầu từ Nga sẽ giảm mạnh 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên hiện cơ quan này kỳ vọng sản lượng dầu từ Mỹ và các nước thành viên OPEC+ sẽ phần nào giúp bù đắp lượng thiếu hụt, và tránh cho thị trường rơi vào tình trạng thâm hụt nặng nề. Dự báo này thường sẽ là thông tin tiêu cực gây sức ép cho giá.

Tuy vậy, với tình hình thực tế là các nhà sản xuất tại OPEC+ và Mỹ đều đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng, do nhiều vấn đề từ chuỗi cung ứng cho đến nhân công, thị trường khó có thể kỳ vọng rằng kịch bản gia tăng nguồn cung này sẽ nhanh chóng thành hiện thực.

Yếu tố thực sự kìm hãm giá dầu trong phiên hôm qua chủ yếu đến từ lo ngại về giảm nhu cầu tại Trung Quốc khi nước này tiếp tục chiến dịch “Zero-Covid” và ngày càng thắt chặt các biện pháp kiểm soát đi lại tại các thành phố như Thượng Hải, bất chấp số ca nhiễm mới vẫn đang giảm dần. Hơn thế nữa, Dollar Index tăng rất mạnh 0,97% lên 104,85, khi số liệu Chỉ số giá Đầu vào PPI tháng 4 tại Mỹ tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kỳ vọng 10,7% của thị trường. Điều này gây ra áp lực về lạm phát, nhất là khi Chỉ số Giá tiêu dùng CPI trong tháng 4 cũng đang ở mức đỉnh 40 năm. Dòng tiền đang chuyển dịch về tài sản an toàn, khi thị trường tài chính chung chịu áp lực điều chỉnh lớn.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Các chỉ số kỹ thuật không có nhiều thay đổi, với MACD cắt lên trên đường Signal trong khi RSI hướng lên trên. Giá vượt lên trên cạnh giữa dải Bollinger Bands, và có dấu hiệu đi lên cạnh trên. Có thể canh mua hợp đồng dầu WTI tháng 06/2022 tại vùng 107 USD/thùng và kỳ vọng giá tăng 1-1,5 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: