Bản tin MXV Năng lượng 11/04: Giá dầu giảm trở lại khi bức tranh tiêu thụ kém sắt lấn át các yếu tố về nguồn cung
02:06 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Tư, 2023

Sắc đỏ quay lại thị trường dầu thô trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu WTI giảm 1,19% về 79,74 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,10% về 84,18 USD/thùng.

Giá dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày, nhưng giảm mạnh kể từ phiên tối, khi mà thị trường bắt đầu hấp thụ số liệu việc làm của tuần trước, và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ dầu. Bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ sáu tuần trước, cho thấy Mỹ chỉ có thêm 189.000 việc làm mới trong tháng 3, giảm gần 30% so với tháng 2 và thấp hơn cả mức dự báo. Đáng chú ý, các số liệu việc làm trong tuần trước đều tiêu cực, và là dấu hiệu đáng báo động đối với sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lo ngại áp lực lãi suất cao sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém hơn, đẩy dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu, và phân bổ vào các loại tài sản có vai trò trú ẩn an toàn như đồng USD và các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng trở lại mức 102,58 điểm, và cũng là một trong yếu tố khiến cho giá dầu suy yếu trong phiên hôm qua, bởi đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô vật chất tăng lên.

Các số liệu kinh tế tiêu cực trong thời gian gần đây cũng khiến Ngân hàng đầu tư Citibank cắt giảm dự báo đối với giá dầu Brent về dưới 80 USD/thùng. Các nhà phân tích đưa ra uớc tính này dựa trên cơ sở Trung Quốc hồi phục chậm hơn so với kỳ vọng, đồng thời cân nhắc về khả năng tăng trưởng sản xuất tới từ Iraq và Venezuela có thể làm giảm sức ép nguồn cung.

Thị trường hiện đang theo dõi sát sao sản lượng của các thành viên với cam kết cắt giảm 500.000 thùng là Saudi Arabia và Nga. Đáng chú ý, Saudi Aramco, công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới này vẫn cung cấp đầy đủ khối lượng dầu thô cho một số nước ở Châu Á. Tuy nhiên, nhu cầu dầu của châu Á dự kiến sẽ suy yếu trong quý hai do một số nhà máy lọc dầu ở châu Á, cụ thể là Sinopec, thuộc Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc, nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Hàn Quốc, S-Oil Corp, chi nhánh của Aramco, Fuji Oil của Nhật Bản và Idemitsu Kosan sẽ cắt giảm công suất chưng cất dầu thô lên tới tổng cộng 1.15 triệu thùng/ngày vào tháng năm.

Đối với nguồn cung từ Nga, số liệu theo dõi tàu của Bloomberg vẫn cho thấy dòng chảy dầu ổn định và tăng nhẹ lên 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 31/03. Khối lượng dầu vận chuyển tới châu Á giảm về 2,5 triệu thùng, nhưng khối lượng dầu chưa thấy điểm đến cuối cùng tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm theo dõi, là 600.000 thùng.

Một yếu tố khác cũng làm giảm sức mua trên thị trường dầu là triển vọng tăng sản lượng của Mỹ. Động thái cắt giảm của OPEC+ khiến cho hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ có thể sôi động hơn trong thời gian tới. Tập đoàn Exxon Mobil cho biết họ quan tâm đến việc mua lại công ty Pioneer Natural Resources để mở rộng sản xuất.

Trong hôm nay, thị trường sẽ đón nhận các số liệu lạm phát của Trung Quốc, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI). Các nhà đầu tư muốn nhìn thấy lạm phát của Trung Quốc tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, bởi đây là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang hồi phục mạnh mẽ.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu WTI giảm trong phiên hôm qua với khối lượng giao dịch vẫn chưa bứt phá. Tuy nhiên việc giá liên tiếp kiểm nghiệm thất bại khu vực 81 USD/thùng. Thị trường dần vắng bóng các thông tin cơ bản hỗ trợ cho giá, nên khả năng cao sẽ có một đợt giảm để lấp lại vùng trống giá từ 76 – 80 USD. Nhà đầu tư nên mở vị thế bán trong khoảng 79,7 – 80 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 77,8 USD.

Nguồn: