Bản tin MXV Năng lượng 08/03: Giá dầu thô bốc hơi hơn 3% do lo ngại lãi suất tăng và sản lượng vượt nhu cầu tiêu thụ
02:25 SA @ Thứ Tư - 08 Tháng Ba, 2023

Giá dầu thô lao dốc trong phiên 07/03, chấm dứt chuỗi tăng năm phiên liên tiếp, với giá dầu thô WTI giảm 3,58% về 77,58 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 3,35% về 83,29 USD/thùng.

Giá dầu mở cửa trong sắc xanh, tiếp nối đà tăng nhờ những lo ngại về nguồn cung của Nga và triển vọng tiêu thụ lạc quan của Trung Quốc. Tuy nhiên, bước sang phiên tối, giá giảm mạnh dưới sức ép từ cả các yếu tố vĩ mô và yếu tố cung cầu.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp với Quốc hội Mỹ, Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh mà các số liệu kinh tế, đặc biệt là số liệu việc làm được công bố trong thời gian gần đây tốt hơn so với kỳ vọng.

Đồng USD đã bật tăng mạnh mẽ sau tin tức này và gây sức ép lên mọi thị trường tài chính, trong đó có thị trường dầu. Chỉ số Dollar Index tăng hơn 1% lên 105,62 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 12/2022. Công cụ theo dõi lãi suất CME cho thấy, xác suất cho kịch bản Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm trong cuộc họp tháng 3 sắp tới đã tăng vọt lên 69,8%, và hoàn toàn áp đảo so với kịch bản tăng 25 điểm cơ bản. Đồng thời, thị trường cũng đang kỳ vọng mức đỉnh lãi suất của năm nay có thể tăng lên 5,5 – 5,75%, thay vì dưới 5,2% như các dự báo trước đây.

Động thái quyết liệt của Fed trong việc duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt khiến cho các nhà đầu tư rất lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, kéo theo tâm lý bi quan hơn đối với triển vọng tiêu thụ của dầu thô. Bên cạnh đó, giá dầu cũng không nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong phiên hôm qua, nên cả hai mặt hàng dầu đều có mức giảm mạnh nhất trong vòng ba tháng.

EIA dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu tăng từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 100,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, cao hơn 0,4 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng 02. Nhu cầu được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với mức tăng từ Trung Quốc có thể chiếm tới 50%. Về phía nguồn cung, EIA cho biết sản lượng dầu trên thế giới đạt trung bình khoảng 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và dự báo tăng thêm trung bình 1,6 triệu thùng/ngày trong cả năm 2023 và 2024.

Đáng chú ý, EIA nhấn mạnh về việc tồn kho dầu ổn định và có xu hướng tăng khi sản lượng tiếp tục vượt qua mức tiêu thụ. Điều này được thúc đẩy một phần bởi EIA nâng dự báo đối với sản lượng dầu của Nga so với báo cáo tháng trước, từ 9,9 triệu thùng lên 10,3 triệu thùng, do kỳ vọng Nga sẽ tìm được người mua ở các thị trường thay thế ngoài châu Âu.

Vì thế, các nhà phân tích của EIA cũng dự báo tồn kho dầu toàn cầu tăng sẽ góp phần làm giảm giá dầu thô giá bắt đầu từ quý III/2023. Giá dầu thô Brent giao ngay dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình 84 USD/thùng trong quý II về 81 USD/thùng vào quý IV năm nay và sau đó đạt mức trung bình 78 USD/thùng vào năm 2024.

Rạng sáng nay, Báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 03/03 cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng so với mức dự đoán tăng 0,4 triệu thùng của giới phân tích. Trái lại, tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng tăng lần lượt 1,8 triệu thùng và 1,9 triệu thùng, đều cao hơn so với ước tính trước đó.

Số liệu của API nhiều khả năng sẽ bị lu mờ trước các tin tức vĩ mô và cung cầu trong tối qua, bên cạnh đó, tồn kho dầu thô giảm không quá mạnh trong khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu tăng cũng không khiến cho thị trường lo ngại đủ để hạn chế sức bán.

Thị trường khí tự nhiên tiếp tục biến động mạnh mẽ khi giá tăng 4.47%, sau khi giảm gần 15% trong phiên trước đó. Sức mua được thúc đẩy nhờ các dự báo cho thấy thời tiết lạnh hơn trong hai tuần tới so với dự kiến trước đó, cùng với việc lưu lượng khí kỷ lục đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, sau khi nhà máy của Freeport LNG ở Texas thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động. Đà tăng diễn ra bất chấp sự gia tăng sản lượng khí đốt từ đầu tháng đến nay và dự báo nhu cầu sẽ ít hơn trong tháng này.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá dầu giảm mạnh qua cạnh giữa của Bollinger Band, cùng với khối lượng giao dịch tăng mạnh trở lại cho thấy sức bán rất áp đảo. Với các tin tức tiêu cực của hôm qua, đà giảm có thể tiếp tục duy trì. Nhà đầu tư nên chia vốn để mở vị thế bán trong khoảng 77,4 - 77,7 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 75,4 USD.

Nguồn: