Bản tin MXV Năng lượng 05/12: Dầu thô cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước rủi ro nguồn cung và kỳ vọng Trung Quốc sớm mở cửa
01:50 SA @ Thứ Hai - 05 Tháng Mười Hai, 2022

Kết thúc tuần giao dịch 28/11 – 4/12, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, trong khi giá khí tự nhiên giảm mạnh 14,31% xuống 6,28 USD/MMBtu. Thời tiết khắc nghiệt đang làm trì hoãn kế hoạch xây dựng các nhà ga LNG đầu tiên của Đức và ảnh hưởng tới khả năng nhập khẩu của quốc gia này, gây áp lực lên giá khí. Công trình này dự kiến sẽ bổ sung công suất khoảng 20 tỷ mét khối LNG mỗi năm, tương đương hơn 40% lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu từ Nga.

Đáng chú ý, dầu thô đã cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó, với dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở NYMEX tăng 4,85% lên 79,98 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 85,57 USD/thùng, cao hơn 2,06% so với tuần trước. Kỳ vọng về kịch bản sớm mở cửa trở lại tại thị trường nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, trong khi yếu tố nguồn cung không chắc chắn trước hàng loạt tác động khác nhau đã kéo giá dầu tăng trở lại trong tuần qua.

Lực mua liên tục được thúc đẩy trong các phiên đầu tuần khi xuất hiện các nguồn tin cho rằng nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể cắt giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tuần do nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Tuy nhiên, với sự phục hồi của giá dầu ngay trong tuần, và những rủi ro trước thềm lệnh cấm dầu thô Nga bằng đường biển đi vào hiệu lực vào ngày 5/12, nhóm đã quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp vào ngày hôm qua 4/12.

Một phần, đang ngày càng có nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào kịch bản Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Không Covid và sớm mở cửa trở lại sau những bất ổn xã hội hồi đầu tuần. Trên thực tế, động thái nới lỏng hơn trong công tác kiểm soát dịch cũng đã được thực hiện. Trong một tuyên bố mới đây, bắt đầu từ thứ Hai tuần này, Trung tâm tài chính Thượng Hải sẽ loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm PCR để vào các địa điểm công cộng như công viên, cũng như các phương tiện công cộng. Nhiều khả năng thông tin này sẽ hỗ trợ cho giá dầu ngay trong phiên sáng bởi kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi trở lại.

Trong khi đó, yếu tố nguồn cung hiện vẫn đang còn mang nhiều ẩn số. Vào cuối tuần qua, các quốc gia tại khu vực EU đã chính thức công bố mức trần giá áp dụng lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, và được sự ủng hộ từ nhóm G7. Theo dữ liệu từ Argus Media, mức trần giá hiện đang cao hơn mức 50 USD/thùng của loại dầu thô Urals hàng đầu của Nga hiện đang được giao dịch. Thị trường tỏ ra lạc quan với mức trần giá này khi tin rằng xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến và phần lớn dòng chảy dầu sẽ không thất thoát quá nhiều. Giá dầu cũng gặp sức ép bán nhẹ trong phiên cuối tuần trước kỳ vọng này.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống, trong đó cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu thô của quốc gia này bán cho bất kỳ ai tham gia vào cơ chế giới hạn giá, đồng thời khẳng định sẵn sàng cắt giảm sản lượng. Điều đó vẫn sẽ tạo ra rủi ro tiềm ẩn tới nguồn cung, nhất là khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc được kỳ vọng đang dần khởi sắc.

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu từ phía Mỹ cũng đang chịu nhiều thách thức khi các công ty khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ khó gia tăng sản lượng. Mức tăng sản lượng dầu đang chậm lại và một số công ty lớn nhất đang cảnh báo về sự sụt giảm trong tương lai do các mỏ dầu hoạt động quá mức và các giếng kém năng suất. Dữ liệu của Baker Hughes cũng báo cáo số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ không có sự thay đổi trong tuần kết thúc ngày 2/12, làm dấy lên lo ngại về khả năng lấp đầy khoảng trống mà OPEC+ để lại.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang tiến lên cạnh giữa dải Bollinger Band trên khung ngày, MACD cắt lên đường Signals, RSI hướng lên. Với tin tức tích cực từ phía Trung Quốc, nhiều khả năng giá sẽ duy trì đà tăng trong phiên. Có thể mở lệnh mua khi giá test lại 81 USD/thùng, với kỳ vọng chốt lời 1,5 – 2 USD/thùng.

Nguồn: