Bản tin MXV Năng lượng 01/03: Giá dầu tiếp tục biến động giằng co, kết phiên giảm nhẹ
09:06 SA @ Thứ Sáu - 01 Tháng Ba, 2024

Giá dầu tiếp tục biến động với biên độ hẹp trong phiên giao dịch ngày 29/2, chốt phiên giảm nhẹ so với phiên trước đó. Mặc dù những lo ngại về nguồn cung vẫn còn tồn tại, nhưng các cuộc khảo sát phản ánh sự lạc quan của thị trường đối với sản lượng thực tế tại các nước lớn, đã gây sức ép cho giá dầu. Giá dầu WTI đã giảm 0,36% xuống 78,26 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,29% xuống 81,91 USD/thùng.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã sản xuất 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng 1. Trong đó, sản lượng của Libya, quốc gia được miễn trừ tham gia cắt giảm sản lượng đã tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng trước. Điều này khiến thị trường nghi ngờ về ảnh hưởng thực tế của việc gia hạn cắt giảm sản lượng của nhóm, từ đó gây sức ép cho giá dầu trong phiên. Hơn nữa, nguồn cung tại Mỹ duy trì ở mức đỉnh 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần qua, cũng góp phần xoa dịu tâm lý thị trường.

Cũng theo khảo sát tháng 2 từ Reuters, các nhà phân tích ít lạc quan hơn về giá dầu, với nguồn cung dồi dào giữ giá gần 80 USD/thùng trong năm nay, với điều kiện xung đột ở Trung Đông chỉ có tác động khiêm tốn đến dòng chảy dầu.

Cụ thể, có 40 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 81,13 USD/thùng vào năm 2024, giảm nhẹ so với mức 81,44 USD theo dự báo vào tháng 1. Dự báo giá dầu WTI cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 76,54 USD/thùng, từ mức 77,26 USD/thùng theo dự báo của tháng trước.

John Paisie, chủ tịch của đơn vị tư vấn năng lượng Stratas Advisors, cho rằng sự gián đoạn ở Biển Đỏ có ít tác động hơn vì sự có sẵn có của các tuyến đường thay thế. Ông cho biết thêm rằng dòng chảy dầu khó có thể bị ảnh hưởng đáng kể và các nguyên tắc cơ bản về cung cầu sẽ là yếu tố quan trọng hơn khi thị trường chuyển sang quý II và quý III.

Ngoài ra, một số dữ liệu vĩ mô cũng tạo một số áp lực nhất định cho giá dầu. Thị trường lao động của nền kinh tế hàng đầu Châu  u, Đức, tiếp tục suy yếu trong tháng 2 với tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước lên 5,9%. Đối với Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng vượt kỳ vọng, cũng làm gia tăng lo ngại về rủi ro tăng trưởng và nhu cầu sử dụng xăng dầu, từ đó gây sức ép lên giá dầu trong phiên.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu WTI hiện đang chưa có đủ động lực để tiếp cận vùng 80 USD. Loạt nến doji xuất hiện vùng giá 78 – 79 USD, phản ánh sự thận trọng của cả hai phe mua và bán. Hai nến doji trong hai phiên liên tiếp với nến ngày hôm qua đóng cửa thấp hơn, cho thấy bên bán đang dần xuất hiện nhiều hơn. RSI khung H1 và H4 phân kỳ giảm giá. Ở khung H4, giá dầu cũng đang dần hình thành mô hình vai đầu vai với đường cổ ở vùng 77,8 – 78 USD. Kết hợp cùng khả năng chốt lời cuối tuần, giá dầu rất có thể sẽ phá vỡ đường cổ trên và xuống mức 77,2 USD, kế đến là 76,8 USD. Nhà đầu tư có thể bán từ vùng 78,5 – 78,6 USD xuống vùng 77,2 USD. Cắt lỗ nếu giá lên 79,4 USD.


Nguồn: