Petrolimex: Giữ nghiêm luật cho sự minh bạch xăng dầu
01:49 SA @ Thứ Ba - 22 Tháng Bảy, 2014

Thời gian gần đây, việc điều chỉnh giá xăng dầu đã linh hoạt hơn nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Để làm rõ hơn việc công khai, minh bạch kinh doanh xăng dầu, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xung quanh vấn đề này.

Nhập xăng dầu tại cảng đầu mối B12- Petrolimex Quảng Ninh

Nhập xăng dầu tại cảng đầu mối B12- Petrolimex Quảng Ninh

Xin ông cho biết những việc Petrolimex đã triển khai từ khi thực hiện Chỉ thị 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 22/4/2014 về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu?

Ngay sau khi Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương được ban hành, Petrolimex đã khẩn trương nghiên cứu hết sức nghiêm túc về các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng. Bắt đầu từ tháng 5/2014, Petrolimex đã quyết định mở riêng 1 chuyên mục với tên gọi “Minh bạch xăng dầu” trong mục “Tin tức - sự kiện” trên website công cộng có địa chỉ www.petrolimex.com.vn để công bố, công khai các thông tin của doanh nghiệp đến đông đảo người tiêu dùng, khách hàng, đối tác, cổ đông, phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông.

Về quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG): Định kỳ theo quý, Petrolimex sẽ công bố tình hình biến động BOG (số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, luỹ kế phát sinh kỳ báo cáo, số dư cuối kỳ). Hình thức đăng: nguyên văn (scan) báo cáo Petrolimex gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương như hiện nay và bổ sung địa chỉ nhận thông tin là Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. đồng thời Petrolimex tiếp tục thực hiện chế độ báo cáo nhanh về BOG theo chỉ đạo tại văn bản số 4233/BTC-TCDN ngày 5/4/2013 của Bộ Tài chính.

Ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Đối với việc công khai kết quả sản xuất - kinh doanh, từ khi chuyển sang cổ phần (1/12/2011) đến nay, Petrolimex vẫn công bố thông tin đầy đủ tại chuyên mục "Nhà đầu tư" trên website Petrolimex theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gồm các báo cáo tài chính chưa kiểm toán (quý, năm) và báo cáo tài chính đã kiểm toán (6 tháng, cả năm). Từ tháng 5/2014, các báo cáo này sẽ được hiển thị thêm tại chuyên mục "Minh bạch xăng dầu". Hình thức đăng: Nguyên văn (scan) các biểu mẫu báo cáo mà Petrolimex gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện nay và bổ sung địa chỉ nhận thông tin là Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương theo yêu cầu của CT11.

Bên cạnh việc công khai kết quả sản xuất - kinh doanh, Petrolimex sẽ tiếp tục chủ động có thông tin, bài viết làm rõ các nội dung mà đông đảo bạn đọc, công chúng quan tâm, đăng tại mục "Tin tức - Sự kiện" hoặc "TCBC".

Về giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex đã và đang thực hiện, hiện đã thành nề nếp. Mỗi khi điều chỉnh giá, Petrolimex đăng Thông cáo báo chí (TCBC), gửi TCBC đến tất cả các cơ quan báo chí trung ương, chuyên ngành và các địa phương. TCBC Petrolimex đã đính kèm đường link chỉ dẫn đến các văn bản có liên quan của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời với việc cập nhật giá mới vào ô “Giá bán lẻ” tại website www.petrolimex.com.vn.

Để có thêm thông tin mở rộng về hoạt động kinh doanh xăng dầu tại nước ngoài (không bị chi phối bởi Nghị định 84), Tổng giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên Petrolimex ở nước ngoài (Petrolimex Singapore, Petrolimex Lào và Văn phòng đại diện Petrolimex tại Campuchia) thực hiện bản tin thị trường xăng dầu định kỳ theo tháng, đăng trên website của đơn vị để Tập đoàn link về chuyên mục /tintuc-sukien/default.aspx.

Đối với các thông tin về giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở (cơ cấu, số liệu hình thành, cơ sở hình thành) và thị phần của các doanh nghiệp đầu mối - Petrolimex thực hiện link tin từ website của Bộ Công Thương

'

Petrolimex phải đảm nhận hầu hết thị trường ở vùng sâu, vùng xa

Hiện nay dư luận đang cho rằng giá xăng dầu tăng liên tục, cao hơn một số nước; hay thuế, phí chiếm quá cao trong cấu thành tính giá xăng dầu cơ sở… Từ “góc nhìn” của doanh nghiệp, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Như chúng ta đã biết, nguồn xăng dầu để cung cấp cho tiêu dùng trên thị trường nội địa của Việt Nam được bảo đảm theo cơ cấu: 70% từ nhập khẩu và khoảng 30% do Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp. Mặc dù có nguồn lọc dầu trong nước nhưng giá bán của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho các thương nhân xăng dầu đầu mối vẫn theo giá xăng dầu quốc tế. Vì vậy, có thể nói giá xăng dầu nhập của các thương nhân đầu mối chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới bình quân 6 tháng đầu năm 2014 diễn biến theo xu hướng tăng, cụ thể: Giá bình quân tháng 1: 114,66 USD/thùng, tháng 2 tăng lên 116,70 USD/thùng, các tháng 3, 4, 5, 6 tương ứng với 116,53; 117,64; 117,96; 120,46 USD/thùng; đến ngày 14/7 giá bình quân là 123 USD/thùng.

Từ thực tế này, nếu chính sách thuế, trích BOG trong nước không thay đổi, để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân xăng dầu đầu mối thì giải pháp điều chỉnh tăng giá là khó tránh khỏi. Việc so sánh giá bán xăng dầu trong nước với các nước khác phải dựa trên cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu của mỗi nước, cũng như nguồn lực tài chính của quốc gia đó dùng để can thiệp trong hoạt động kinh doanh này như thế nào? Tuy nhiên, đứng trên góc độ cũng là một người tiêu dùng, tôi cho rằng, bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt tài chính từ phía nhà nước cũng chỉ mang tính chất nhất thời, còn để đất nước phát triển và làm căn cứ đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nói chung thì giá bán phải dựa vào các yếu tố đầu vào mới phản ánh trung thực, khách quan.

Liên quan đến ý kiến cho rằng hay thuế, phí chiếm quá cao trong cấu thành giá xăng dầu cơ sở? Thực ra, thuế suất nhập khẩu để làm căn cứ tính giá xăng dầu cơ sở hiện nay được áp dụng từ ngày 22/5/2013, trong đó xăng là 18% (cộng thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt), dầu điêzen 14%, dầu hoả 16% và madut là 15%. Như vậy, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu trong thời gian vừa qua vẫn nằm trong khung thuế đã được Quốc hội phê duyệt (khung thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu từ 0-40%). Vì vậy, việc đưa ra ý kiến đánh giá cao hay thấp thì cần phải dựa trên các căn cứ pháp lý và cân đối thu-chi của ngân sách quốc gia thì mới có thể đưa ra ý kiến đánh giá thoả đáng.

Nếu chính sách thuế không thay đổi thì giải pháp tăng giá là khó tránh khỏi

Để ổn định thị trường xăng dầu, DN đã chia sẻ khó khăn cùng nhà nước và người tiêu dùng như thế nào, thưa ông?

Từ đầu năm 2014 đến nay, mặc dù Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã phải thực hiện điều chỉnh giá đối với xăng (5 lần tăng), dầu điêzen (4 lần tăng, 5 lần giảm), dầu hoả (4 lần tăng, 3 lần giảm) và madut (3 lần tăng, 4 lần giảm); nhưng đối với các thương nhân đầu mối trong các lần điều chỉnh này, nhiều chu kỳ khi tính giá cơ sở, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã áp dụng mức lợi nhuận định mức bằng (=) 0. Vì vậy, mức lợi nhuận định mức bình quân trong 6 tháng đầu năm 2014 đối với các mặt hàng xăng chỉ đạt 182 đồng/lít, dầu điêzen là 273 đồng/lít, dầu hỏa 190 đồng/lít. Bên cạnh đó, định mức chi phí kinh doanh được kết cấu trong công thức tính giá cơ sở thấp hơn khá nhiều so với thực tế chi phí hợp lý, hợp lệ đã phát sinh của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, từ đó làm cho hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Việc công khai, minh bạch kết quả kinh doanh xăng dầu trong 2 quý đầu năm 2014 của Petrolimex cũng khiến dư luận cho rằng, các DN kinh doanh xăng dầu lãi lớn nhưng luôn kêu lỗ để nhà nước điều chỉnh tăng giá, ông có thể giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề này?

Đến thời điểm này, Petrolimex mới chỉ công bố các thông tin về hoạt động kinh doanh của DN quý I/2014, còn thông tin quý II cũng như số liệu lũy kế 6 tháng đầu năm, thì sau khi kết thúc quý II, Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các DN thành viên mới lập báo cáo tài chính theo quy định và công bố sau 45 ngày kể từ thời điểm kết thúc quý II.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Petrolimex định kỳ báo cáo Liên Bộ Tài chính - Công Thương diễn biến giữa giá cơ sở so với giá bán lẻ hiện hành tại thời điểm báo cáo theo các chu kỳ tính giá được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Việc điều hành giá bán xăng dầu trong nước được Liên Bộ Tài chính - Công Thương tính toán, dựa trên các yếu tố cấu thành trong công thức tính giá cơ sở và sử dụng các công cụ tài chính của nhà nước. 6 tháng đầu năm, do giá xăng dầu thế giới diễn biến theo xu hướng tăng nên kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex quý I chỉ đạt lợi nhuận trước thuế là 28.350 triệu đồng, chiếm khoảng 8,4% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tập đoàn, tương ứng khoảng 14 đồng/lít, kg thực hiện với sản lượng xăng dầu xuất bán quý I của Công ty mẹ và 42 công ty xăng dầu TNHH MTV có trụ sở chính tại Việt Nam là 2.014.850 m3, tấn.

Việc cho rằng kinh doanh xăng dầu lãi lớn đã không phản ánh đúng hoạt động kinh doanh của DN do sự đánh giá chỉ dựa vào số liệu tuyệt đối mà không dựa vào quy mô hoạt động và vốn kinh doanh của DN, trong khi Petrolimex đang phải chịu trách nhiệm sử dụng và bảo toàn với số vốn của chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng, điều đó đã gây nên sự bức xúc và hiểu lầm của người tiêu dùng.

Hiện nay có nhiều thành phần và DN tham gia thị trường xăng dầu dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, là DN chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường, đâu là thế mạnh và khó khăn của Petrolimex, thưa ông?

Đúng, là một DN thống lĩnh thị trường, Petrolimex có lợi thế về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống phân phối, quan hệ khách hàng và được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vị trí quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, Petrolimex cũng gặp không ít khó khăn, đó là: 1- Đảm nhận gần như hầu hết các vùng thị trường ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển tạo nguồn lớn, kinh doanh không hiệu quả. 2- Khi kinh doanh có lãi thì thị phần giảm, kinh doanh lỗ thị phần tăng lên. 3- Việc buôn lậu xăng dầu vẫn xuất hiện ở nhiều vùng thị trường đã tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. 4- Công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm nhận diện thương hiệu còn nhiều hạn chế…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: